Tư vấn trực tiếp: Để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, hiệu quả

Cần biết - 11/24/2024

Các chuyên gia, bác sĩ sẽ tư vấn và giải đáp mọi băn khoăn của độc giả về vấn đề được rất nhiều bạn đọc quan tâm này.

SongKhoe.vn và báo Sức khoẻ và đời sống đang tư vấn truyền hình trực tiếp: Để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, hiệu quả. Với sự tham gia của:

- GS. Gedge David Rosson, Giám đốc trung tâm Johns Hopkins. Chuyên cấy ghép và tái tạo vú, phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt, tái tạo vi mạch, phẫu thuật thần kinh ngoại vi, phẫu thuật tạo hình.

- TS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức.

Video chương trình phần 1

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Là một bác sĩ đã gắn bó với phẫu thuật tạo hình trong hơn 30 năm tại nhiều nước trên thế giới, ông có cảm nhận như thế nào về bệnh nhân từng tiếp xúc và chữa trị tại Việt Nam? Có điểm gì khác biệt khiến ông ấn tượng?

GS. Gedge David Rosson: Một trong những lí do chính là các bác sĩ, y tá tại Việt Nam đều rất nhiệt tình và mong muốn giúp đỡ nhiều nhất cho bệnh nhân. Thứ hai là tại Việt Nam vẫn còn những ca khó và phức tạp cần sự trao đổi, bàn bạc với các bác sĩ nước ngoài. Điều này giúp không chỉ các bạn mà chúng tôi cũng có thể học được rất nhiều kinh nghiệm đáng quý.

Đỗ Thị Minh Phương (Nữ, 35 tuổi, Kim Mã, Hà Nội): Con gái tôi hiện tại 6 tuổi, mổ u ở góc hàm phải lúc 5 tháng. Sau khi mổ, cháu bị liệt dây thần kinh 7 gây ra méo mồm. Cháu đã điều trị rất nhiều phương pháp Đông Tây y nhưng không có kết quả tốt, hiện tại miệng vẫn bị méo rất rõ và rất ảnh hưởng đến cuộc sống. Tôi biết hiện tại có phương pháp ghép nối dây thần kinh để chữa liệt dây thần kinh 7. Ông có thể tư vấn giúp tôi làm thế nào và bệnh viện nào có thể giúp con tôi thực hiện ca phẫu thuật này?

GS. Gedge David Rosson: hiện tại có nhiều kỹ thuật mới can thiệp về mặt thần kinh để phục hồi những vạt cơ có thần kinh để giúp phục hồi vùng mặt, cân đối cũng như sự vận động của vùng miệng.

Tư vấn trực tiếp: Để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, hiệu quả

GS. Gedge David Rosson, giám đốc trung tâm Johns Hopkins

Một phương pháp hay được dùng là lấy dây thần kinh cảm giác ở mặt sau của chân, rồi với nhánh dây thần kinh bên lành sang bên bị liệt rồi chờ 6 tháng sau cho các tín hiệu thần kinh mọc từ bên này sang bên kia. Sau đó, lấy 1 miếng cơ ở vùng dưới đùi, chuyển cơ đó lên vùng bị liệt, nối chúng với các cơ thần kinh đã chờ sẵn. Từ đó, bệnh nhân có được nụ cười cân xứng hơn.

Đây là một ví dụ điển hình vì sao phẫu thuật có thể thay đổi cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt là những người có dị tật ở mặt. Nhưng các kỹ thuật phẫu thuật này rất khó do những mạch máu trên mặt rất nhỏ, vì vậy, chị cần đưa con đến bệnh viện lớn để thực hiện.

Video chương trình phần 2

Hà Thị Loan (haloan.bg1995@gmail.com): Em có em gái bị dị tật không có vành tai như hình ảnh này. Cho em hỏi giờ muốn phẫu thuật thì có được không? Nếu có thì làm ở đâu, kinh phí bao nhiêu ạ?

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Nghe tâm sự này, chúng tôi có thể hiểu được sự khó chịu, cũng như bất tiện của bạn khi có đặc điểm hơi khác mọi người. Nhưng trước khi đề cập tới vấn đề phẫu thuật, chúng ta hãy cùng tìm hiều về nguyên nhân của dị tật này.

GS. Gedge David Rosson: Có nhiều dạng tổn thương vành tai, trường hợp của em gái bạn thiếu tương đối nhiều. Có thể chữa bằng cách lấy sụn từ khung sườn. Các bác sĩ sẽ điêu khắc giống vành tai. Sau tạo hình, người ta sẽ nuôi 6 tháng sẽ cấy vào tai bị hỏng. Tuy không đẹp bằng tai bên kia nhưng có thể giúp người bệnh trở lại cuộc sống. Bạn có thể đến các trung tâm lớn, ví dụ như bệnh viện Việt Đức.

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Nhiều bệnh nhân người Việt ra nước ngoài chữa khoảng 20 đến 30.000 đô la. Còn ở Việt Nam, chi phí rẻ hơn rất nhiều so với nước ngoài do chỉ tính như mổ chữa bệnh bình thường. Còn muốn tạo hình tai, thì trẻ ít nhất phải lớn lên 8 đến 10 tuổi, khi khung sườn tương đối lớn. Điều này để tránh phải mổ nhiều lần.

GS. Gedge David Rosson: Tôi hoàn toàn đồng ý về việc để cho trẻ đủ lớn, khung sườn đủ rộng thì mới nên làm phẫu thuật. Những dị tật này cần làm sớm để bé sớm hòa nhập lại với cộng đồng, giúp bé tự tin trong cuộc sống.

Veconlonton@yahoo.com (Nam, 27 tuổi): Cháu hiện đã có người yêu và chuẩn bị kết hôn. Cháu rất tự hào vì người yêu rất xinh đẹp nhưng mới đây cháu phát hiện đó chỉ là sản phẩm của dao kéo. Qua bạn bè của cô ấy, cháu biết cô ấy từng bơm ngực, bơm mông và tiêm trắng. Cháu rất lo nếu lấy nhau về, liệu sau này con có bị ảnh hưởng gì từ mẹ không vì cháu sợ trong quá trình phẫu thuật dùng nhiều hóa chất?

GS. Gedge David Rosson: Thông thường, nếu phẫu thuật thẩm mỹ được tiến hành bài bản và chuyên nghiệp thì sẽ rất ít khi ảnh hưởng đến thế hệ sau. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý thêm, nếu mẹ đi tắm trắng thì chưa chắc con sau này đã trắng như mẹ mà bé sẽ có nước da ngày xưa của mẹ

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Còn nếu bạn chưa có em bé mà muốn nâng ngực thì hãy dùng phương pháp nội soi, không cắt qua đầu vú và đặt ở dưới cơ. Điều này sẽ ít ảnh hưởng tới việc cho bú và sự phát triển của em bé.

GS. Gedge David Rosson: Với phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nâng ngực, nếu được làm tốt thì sẽ rất ít ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé sau này. Các bạn cần chọn lựa cẩn thận các cơ sở thẩm mỹ, phẫu thuật viên có trình độ để an toàn. Theo kinh nghiệm của tôi, mổ bằng đường nách, khả năng giấu sẹo tốt nhưng cân chỉnh 2 bên và đặt đúng khoang vào đường nách sẽ khó khăn hơn.

Tư vấn trực tiếp: Để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, hiệu quả

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức

TS. BS. Nguyễn Hồng Hà: Quá trình mổ xẻ cũng như điều trị cho những bệnh nhân sứt môi hở hàm ếch theo tiêu chuẩn ở bên Mỹ thì sẽ như thế nào vì chúng tôi thấy có nhiều chuyên gia Mỹ sang giúp VN phẫu thuật?

GS. Gedge David Rosson: Kinh nghiệm về dị tật hở môi và vòm ở Mỹ thì chúng tôi có những trung tâm chuyên biệt để xử lý tốt nhất các dị tật cho bé. Có những trung tâm tập hợp rất nhiều các bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ phát âm, bác sĩ về môi, bác sĩ về răng... Mỗi bác sĩ sẽ ngồi với nhau và xử lý một vấn đề khác nhau trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Đó là quá trình theo dõi từ lúc sinh ra tới giai đoạn sau, thậm chí khi các cháu 17-18 tuổi.

Video chương trình phần 3

Bít Tết: Người Việt có câu 'Nhất dáng, nhì da' để nói về vẻ đẹp của người phụ nữ. Vậy mà em thì vừa thấp, vừa đen. Em nghe nói đến các biện pháp phẫu thuật kéo dài chân nhằm tăng chiều cao cơ thể. Xin chuyên gia cho biết, biện pháp này là như thế nào? Mức độ an toàn của nó ra sao? Em cao 1,49m thì có thể tăng được chiều cao tối đa bao nhiêu nếu sử dụng biện pháp này?

GS. Gedge David Rosson: Về nguyên tắc phương pháp kéo dài chân là cắt rời xương chân, sau đó dùng hệ thống các đinh, nẹp vít và ngày ngày kéo dài 1 chút để tăng chiều dài của chân. Như vậy, nó liên quan đến việc cắt đôi xương, nên thuộc khoa chấn thương chỉnh hình chứ không thuộc phẫu thuật thẩm mỹ - tạo hình. Bạn có thể đến các trung tâm chấn thương chỉnh hình để được giải đáp vấn đề của mình.

Lê Tuấn Anh (15 tuổi):Cháu có một ngón thừa ở tay. Cháu thấy rất buồn khi đi học bạn bè đều trêu chọc và nó cũng rất vướng víu, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống hiện tại của cháu. Cháu muốn hỏi cắt ngón tay thừa như vậy có tốn nhiều tiền không và thực hiện ở đâu?

GS. Gedge David Rosson: Chắc chắn vấn đề của bạn sẽ giải quyết được nhưng cần chú ý vì có nhiều dạng và nhiều thể khác nhau. Các bác sĩ được đào tạo về bàn tay hoặc chấn thương chỉnh hình chuyên về dị tật bàn tay đều có thể tư vấn giúp bạn.

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Giá cả cũng sẽ áp theo chữa bệnh bình thường thôi. 

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Nhân đây, giáo sư có thể cho biết thời điểm nào là tốt nhất để sửa các ngón tay thừa?

GS. Gedge David Rosson: Thời điểm chính xác phải được xác định bởi các bác sĩ chuyên sâu về bàn tay. Nhưng quy tắc chung để giải quyết các dị tật bàn tay  tốt nhất là trước 18 tháng, chậm nhất là 2 tuổi để ngón mới 'hòa nhập' với cơ thể. Còn đã 15 tuổi, bạn vẫn hoàn toàn có thể đi cắt ngón tay thừa để tự tin hơn nhé.

Thanh Cỏn (ongthanhcon79soctrang@gmail.com): Cậu tôi bị tai nạn trong lao động bị đứt gân cổ tay bàn tay trái cách bàn tay khoảng 50cm, đã phẫu thuật nối lại gân vào ngày 15/07/2013 AL tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Sau thời gian hồi phục, cậu tôi đã có tập vật lí trị liệu nhưng 2 ngón tay (ngón út và ngón áp út ) chỉ co quắp lại không duỗi thẳng ra được. Vậy làm như thế nào để các ngón tay có thể cử động được như bình thường?

GS. Gedge David Rosson: Vấn đề của bạn đã tương đối phức tạp. Ngón thứ 4 và 5 co lại, vận động kém dù đã được nối gân thì chúng tôi nghĩ bạn có thể bị tổn thương thần kinh trụ ở phần trên cao ở cẳng tay. Nếu ở giai đoạn này, khớp chưa dính thì bạn có thể dùng phương pháp như chuyển gân.

Đối với vết thương nằm ở trên đường đi thần kinh, cần đưa vào nhà mổ để kiểm tra kỹ lưỡng. Không nên để 1 - 2 năm mới đi nối lại dây thần kinh thì các chức năng thần kinh đã không hoạt động nữa. Hãy đến khám sớm nhất có thể.

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Ở bệnh viện, chúng tôi cũng đã cố gắng tối đa nhằm chữa trị cho những bệnh nhân có tổn thương về mạch máu, tìm chỗ đứt, đưa lên kính hiển vi phóng đại để nối chỗ đứt để phục hồi chức năng của ngón tay.

Tư vấn trực tiếp: Để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, hiệu quả

Hai chuyên gia tại chương trình

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà: Với những trường hợp tai nạn lao động mà bị đứt lìa chi thì chúng ta cần phải sơ cứu như thế nào để có thể tái tạo, chắp nối chi thể sau đó?

GS. Gedge David Rosson: Vấn đề bảo quản chi thể đứt lìa rất quan trọng. Nên tránh, không để các phần cơ thể đó tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh (vì có nguy cơ bị bỏng lạnh và không dùng được nữa). Cố gắng bọc vải/khăn/quần áo sạch xung quanh, cho vào nilon, buộc kín lại rồi thả vào thùng nước đá. Sau đó chuyển đến các trung tâm có thể thực hiện vi phẫu để nối lại những bộ phận này.

Kết quả thành công nhiều hay ít phụ thuộc vào kỹ thuật khâu nối, lứa tuổi.

Trong trường hợp chi thể bị dập nát quá nhiều không thể nối, tại Mỹ đang tiến hành 2 hướng nghiên cứu: 1 là ghép tay từ những người đã qua đời và đồng ý hiến tặng cơ thể. 2 là dùng chân tay giả thông minh, gồm các chíp điện tử thông minh để hỗ trợ người mất các bộ phận cơ thể của mình.

Video chương trình phần 4

Tuyết Ngọc (Nữ, 28 tuổi, Hải Phòng): Vì tự ti với chiếc mũi tẹt của mình, cháu đã đi nâng mũi. Trải qua vài lần đến trung tâm thẩm mĩ, mất cũng khá nhiều tiền nhưng giờ mũi cháu có cao lên nhưng lại bị khoằm xuống. Cháu cảm thấy mặt mình già đi rất nhiều. Xin hỏi cháu có thể khắc phục lại bằng cách nào ạ?

GS. Gedge David Rosson: Mỗi một bác sĩ sẽ giỏi về lĩnh vực này hoặc lĩnh vực khác; mỗi dạng mũi sẽ cũng có những cách khác nhau để làm đẹp hơn. Có thể là do mũi của bạn đặt cao và dài nên làm mũi to lên. Bạn có thể đi tìm các chuyên gia tư vấn để hỏi lại xem có khắc phục được chiều dài của mũi không. Cần tìm hiểu kỹ càng bởi phẫu thuật sửa lại sẽ phức tạp hơn phẫu thuật lần đầu.

Bạn đọc giấu tên: Tôi được biết phẫu thuật thẩm mỹ khá mạo hiểm và nguy cơ biến chứng cũng cao. Vậy hiện giờ tôi muốn làm một số phẫu thuật như nâng ngực, hút mỡ bụng, tiêm botox ở mặt thì sẽ có những biến chứng gì và tỉ lệ biến chứng có cao không?

GS. Gedge David Rosson: Một là bạn phải cố gắng tìm hiểu kỹ càng. Hai là phải lựa chọn phẫu thuật viên có trình độ, thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới. Ba là thực hiện ở cơ sở đảm bảo, đủ điều kiện về y tế. Khó ai nói được là không có biến chứng nhưng sự tìm hiểu kỹ sẽ hạn chế tối đa biến chứng nếu xảy ra.

Lê Văn Chuẩn (chuanvan421990@gmail.com): Tôi bị tai nạn giao thông, chấn thương dập não trán, giờ bị mất khứu giác. Xin hỏi tôi có thể hồi phục lại khứu giác không?

GS. Gedge David Rosson: Khứu giác do các thần kinh rất nhỏ đi từ trán xuống mũi nên nếu dập nát thì khả năng hồi phục hơi khó. 

Nếu trán bị lõm thì hoàn toàn có thể khắc phục được. Kinh nghiệm của bệnh viện Mỹ là các bác sĩ thần kinh sẽ tách rời phần màng não. Các bác sĩ tạo hình sẽ mang các chất liệu xương nhân tạo đến để cố định lại phần sọ não giúp bạn có khung xương chắc chắn để bảo vệ phần não.

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà:Đó cũng là cách bệnh viện Việt Đức hiện nay đang làm. Bạn có thể tới và tham khảo phương pháp tái tạo này.

>> Xem thêm: SongKhoe.vn tư vấn trực tiếp các vấn đề về sức khỏe

PV

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!