Tư vấn trực tiếp: Điều trị nội khoa và can thiệp bệnh tim bẩm sinh

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Chương trình được phát trực tiếp vào lúc 14h45, thứ hai, ngày 28/12 trên Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM mỗi năm có khoảng 10.000 trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh.

Đây là một trong những chứng bệnh nguy hiểm, khiến chất lượng cuộc sống của trẻ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí còn gây tử vong cho trẻ.

Vậy phương pháp nội khoa này có ưu điểm, hạn chế gì? Có chữa lành bệnh tim bẩm sinh cho trẻ không? Những trường hợp bệnh nào được điều trị nội khoa?

Những nội dung này sẽ được các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực tim mạch ở Việt Nam giải đáp đầy đủ trong buổi tư vấn.

Khách mời tham gia chương trình:

Thạc sĩ, bác sĩ: Nguyễn Minh Hùng - Khoa C5 - Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai.

Thạc sĩ, bác sĩ: Nguyễn Minh Lý – Giảng viên bộ môn Tim Mạch Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa C5 - Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai.

Tư vấn trực tiếp: Điều trị nội khoa và can thiệp bệnh tim bẩm sinh (P1)

Thưa Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng - BS Điều trị khoa Tim Mạch Nhi (C5), - Bệnh viện Bạch Mai, theo ông, những nguyên nhân nào gây bệnh tim bẩm sinh (TBS) ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ? Và di truyền có phải yếu tố quyết định, dẫn đến nhiều ca bệnh TBS không?

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Có nhiều nguyên nhân gây bệnh: Di truyền 5%, môi trường là phổ biến. Di truyền chỉ là 1 trong nhiều yếu tố gây bệnh TBS.

Ngọc Hà (26 tuổi, ở Nha Trang) hỏi: Bé nhà cháu khi mới sinh bị viêm phổi kéo dài, giờ được 8 tháng khi khóc thường xuất hiện các cơn tím tái, lên cân chậm. Bé đi khám được thông báo không có động mạch phổi phải, siêu âm phát hiện áp lực động mạch phổi tăng mạnh. Cháu cần được điều trị như thế nào, có dùng thuốc được không thưa bác sĩ, vì con cháu nhỏ và yếu quá nên cháu chưa muốn phẫu thuật (Mổ phanh lồng ngực).

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Có thể cháu mắc bệnh 'teo động mạch phổi một bên', là chứng bệnh hiếm gặp. Lâm sàng: viêm nhiễm đường hô hấp trên, khó thở, ho ra máu, suy tim, áp lực động mạch phổi tăng cao. Điều trị: 1 số thuốc đặc trị để giảm áp lực động mạch phổi. Nên đến chuyên khoa tim mạch thăm khám đầy đủ, có biện pháp điều trị kịp thời.

Tư vấn trực tiếp: Điều trị nội khoa và can thiệp bệnh tim bẩm sinh

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Lý – Giảng viên bộ môn Tim Mạch Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa C5 - Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai.

Minh Trang (Hà Tây) hỏi: Chào bác sĩ, khi em mang thai, bác sĩ đo tim thai bé nói bình thường, khi bé ra đời bú kém, thường xuyên khó thở nên khá yếu. Đi khám thì được chẩn đoán bị ngoại tâm thu, hiện bé được 2 tháng tuổi, bác sĩ cho hỏi bé bị ngoại tâm thu như vậy có nặng không, chữa trị bằng cách nào. Em nên đưa bé đi khám ở đâu để an toàn?

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Ngoại tâm thu là rối loạn nhịp tim, có thể lành tính, có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim. Tuy nhiên không rõ bị ngoại tâm thu ở nhĩ hay thất, có triệu chứng khác không (ngất, khó thở...). Để chẩn đoán chính xác, có hướng điều trị phù hợp, bạn có thể đưa cháu đến trung tâm tim mạch, làm điện tâm đồ, đánh giá mức độ tâm thu.

Trung Kiên (32 tuổi): Con gái tôi 5 tuổi, nặng 18kg, bị thông liên thất phần cơ bè, có 2 lỗ thông 4mm và 5mm. Tôi nghe nói có trường hợp tự đóng được lỗ thông liên thất phải không thưa bác sĩ? Tình trạng bệnh của con tôi có cần phải phẫu thuật không và nếu mổ thì bằng phương pháp mổ phanh hay như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp.

BS Nguyễn Minh Lý: Thông liên thất có 1 số thể có thể tự đóng lỗ thông. Kích thước lỗ thông 4mm và 5mm thì nên giải quyết lỗ thông trong thời điểm này, trước khi cháu đi học. Trước khi phẫu thuật hay can thiệp nên có bản siêu âm tỉ mỉ. Về cơ bản, có thể can thiệp bằng nội soi, bít bằng dụng cụ, không cần mổ phanh.

Đoan Trang (62 tuổi): Cháu tôi sinh non ở tuần 34 được 1,8kg, bị suy tim, suy hô hấp nặng, phải thở máy liên tục chưa đỡ. Trường hợp cháu tôi có phải rất nặng không? Cháu quá bé như vậy thì nên được điều trị bằng phương pháp nào, dùng thuốc hay phẫu thuật thưa bác sĩ? Bệnh có chữa khỏi hẳn được không?

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: trường hợp này được xếp vào nhóm trẻ sinh non thiếu tháng, thường phổi bị ảnh hưởng, chưa trưởng thành thực sự, dễ bị viêm phổi. Trẻ sinh non có thể mắc 1 số chứng bệnh bẩm sinh và nguy hiểm. Bác nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị, hội chẩn bác sĩ chuyên khoa hô hấp, tim mạch để can thiệp cho trường hợp của cháu.

Duy Anh (Bến Tre): Thưa Bác sĩ! Cháu nhà em hiện được 9 tháng tuổi nặng 8kg, bị down và tim bẩm sinh 1 lỗ 4mm, 1 lỗ 3mm. Cháu không bị tăng áp phổi với suy tim. Em tham khảo trường hợp con em đều được khuyên là mổ phanh. Mong BS cho lời khuyên chữa trị an toàn cho con em? Xin cảm ơn!

BS Nguyễn Minh Lý: Dị tật của cháu chưa rõ ràng, nếu bệnh down thường rơi vào bất thường ở kênh nhĩ thất, ở buồng nhận, chưa bị tăng áp lực động mạch phổi. thường xử trí bằng phương pháp ngoại khoa. Cháu 9 tháng, nặng 8kg nên thời điểm này có thể cân nhắc phẫu thuật cho trẻ. Nếu để lâu làm tăng nguy cơ áp lực động mạch phổi. Nên lựa chọn cơ sở ngoại khoa nhi có uy tín để xử lí trường hợp của cháu, để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm sau này như suy tim, áp lực động mạch phổi.

Tư vấn trực tiếp: Điều trị nội khoa và can thiệp bệnh tim bẩm sinh

MC: Con gái tôi 3 tuổi rưỡi, nặng 19,5kg, bị hẹp van động mạch phổi đơn thuần không đi kèm các bệnh tim khác, có độ chênh áp quan van siêu âm lần đầu là 40 và 23, sau 5 tháng siêu âm lần 2 là 30 và 51, các chức năng khác của tim trong giới hạn bình thường. Với tiến triển của bệnh như vậy thì khi nào cháu phải nong van bằng bóng qua da? Theo thông tin tôi được biết là tất cả các bệnh nhân sau nong van bằng bóng thì đều bị hở van động mạch phổi phải không ạ, nếu vậy có phải thay van không? Xin BS tư vấn giúp.

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Hẹp van động mạch phổi đơn thuần gây cản trở máu từ thất phải đi lên, lâu ngày có biến cố nguy hiểm. Chênh áp tăng dần, mức độ hẹp nặng dần, cháu có thể áp dụng nong van động mạch phổi qua da. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác cần siêu âm tim, đo chênh áp qua van và quyết định có nên nong không. Kỹ thuật này tương đối an toàn, biến chứng thấp, tỉ lệ hở sau nong rất thấp nên chị có thể yên tâm. Trong 1 số trường hợp khi bị hở van động mạch phổi nhiều, người lớn có thể thay van động mạch phổi qua da.

Ngọc Trinh (20 tuổi, Hà Nội): Xin chào Bác sĩ, em trai cháu 12 tuổi, bị tim bẩm sinh không tím, thông liên thất trái. Mỗi khi hoạt động hơi nặng là thấy rất mệt, khó thở. BS khám bệnh cho em cháu cho biết phải phẫu thuật tim hở. Vậy cháu muốn hỏi p/pháp này có nguy hiểm không, có điểm hạn chế gì? Cảm ơn chuyên gia.

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: tình trạng của bạn là thông liên thất, khó thở, nên dùng thuốc điều trị. Đây là khiếm khuyết bẩm sinh, tạo ra luồng thông từ bên trái sang bên phải, lâu ngày dẫn đến suy tim trái với biểu hiện của 'hội chứng gắng sức'. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị bằng phương pháp bít lỗ thông qua da hoặc phẫu thuật. Bạn nên đến chuyên khoa tim mạch để lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp.

Tư vấn trực tiếp: Điều trị nội khoa và can thiệp bệnh tim bẩm sinh (P2)

MC: Thưa 2 vị khách mời, mới đây Bệnh viện Nhi T.Ư vừa cứu sống thành công cho bé 2,5 tháng tuổi (ở Ninh Bình) bị hẹp eo động mạch chủ nặng bằng phương pháp mới nong eo động mạch chủ bằng bóng qua đường động mạch nách. Được biết, đây là kỹ thuật mới và khó, đặc biệt khó áp dụng trên những trẻ nhỏ. BS Minh Lý có thể chia sẻ thêm với quý khán giả về phương pháp này được không? Gần đây, trong việc điều trị tim bẩm sinh, nền y học Việt Nam còn có những bước tiến nào khác, thưa ông? Có loại thuốc mới nào điều trị được tim bẩm sinh chưa?

BS Nguyễn Minh Lý: Đây là phương pháp kinh điển, được áp dụng từ lâu trên thế giới. Việc chẩn đoán đúng, phát hiện kịp thời rất quan trọng. Trẻ sinh ra thở nhanh, buồng tim trái giãn to, đặt đầu dò siêu âm có chênh áp cao. Lâm sàng bắt động mạch bẹn yếu có thể nghi ngờ bị hẹp eo động mạch chủ. Đây cũng không phải là trường hợp bị hẹp eo động mạch chủ đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài nong eo động mạch chủ bằng bóng qua đường động mạch nách còn có phương pháp phá vách liên nhĩ. Dùng thuốc duy trì ống động mạch không đóng. Những giải pháp này ở trung tâm điều trị nội khoa chuyên về Nhi sơ sinh đều có thể áp dụng.

MC: Những phương pháp điều trị tim bẩm sinh mới nào trên thế giới đã áp dụng nhưng ở Việt Nam chưa ứng dụng được và tại sao?

BS Nguyễn Minh Lý: Bắt kịp nhanh với y học thế giới nhưng mặt hạn chế ở Việt Nam là khâu Gây mê - Hồi sức sơ sinh. Hy vọng trong tương lai gần, có thể làm các kỹ thuật đó thường quy hơn, kết quả thành công cao hơn.

Meyeucon146@gmail.com: Con trai em 6 tháng tuổi, gần đây xuất hiện nhiều cơn xanh tím nặng, bé khó thở, quấy khóc. Đi khám ở bệnh viện Nhi được chẩn đoán là bị tứ chứng Fallot, bít tắc luồng máu xuất phát từ thất phải. bác sĩ cho biết bé cần phẫu thuật tim mở, không biết phương pháp này có nguy hiểm không? Có cách điều trị nào không cần phẫu thuật không thưa chuyên gia?

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Biểu hiện lâm sàng khá rõ, đây là trường hợp tương đối nặng, đặc biệt là sự phát triển của đường ra thất phải bị cản trở, có biểu hiện thiếu oxy nên chỉ định phẫu thuật là bắt buộc. Tùy thể bệnh có thể chọn phương pháp phẫu thuật tạm thời. Nếu bệnh lí cho phép, bác sĩ có thể sửa toàn bộ, giúp cháu sớm ổn định.

Vũ Minh (65 tuổi, Hà Nội) hỏi: Cháu nội tôi 14 tháng tuổi, mới được phát hiện tim bẩm sinh có tím và hẹp eo động mạch phổi. Gần đây, cháu hay bị các cơn tím tái đột ngột, rất may cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng. Chuyên gia tư vấn giùm tình trạng bệnh lý như của cháu tôi cần được điều trị bằng phương pháp nào để không nguy hiểm tới tính mạng. Dùng thuốc hay tiêm loại nào?

BS Nguyễn Minh Lý: Theo bạn mô tả, không biết hở van động mạch phổi hay thân nhánh. Đã có cơn tím cần có chẩn đoán chính xách tổn thương dị tật, cần biện pháp can thiệp. Điều trị nội khoa hay dùng thuốc không thể giải quyết triệt để các tổn thương tắc nghẽn. Nên đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn và can thiệp ngoại khoa sớm. Trong trường hợp thể trạng không đủ đáp ứng phẫu thuật có thể can thiệp tạm thời, chờ để sửa chữa toàn bộ.

Thu Mai (35 tuổi): Em mới sinh được 1 tuần, bé mới ra đời được phát hiện bị tim bẩm sinh đảo gốc động mạch và teo van 2 lá. Nghe nói với hiện trạng bệnh cháu phải điều trị bằng thông tim can thiệp. Bác sĩ cho em hỏi trường hợp con em như vậy có phức tạp không, tỷ lệ thành công là bao nhiêu? Cảm ơn bác sĩ.

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Đây là bệnh lí tim bẩm sinh phức tạp, con bạn cần được theo dõi tại Trung tâm tim mạch, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

MC: Thưa BS Nguyễn Minh Lý, vừa rồi 2 chuyên gia đã giải đáp 1 số trường hợp tim bẩm sinh phải can thiệp bằng phương pháp thông tim và mổ phanh, trong đó pp thông tim ngày càng phát triển và có nhiều ưu thế hơn. Vậy BS có thể chia sẻ những ưu điểm của pp thông tim so với mổ phanh không?

BS Nguyễn Minh Lý: Ngoài biện pháp điều trị ngoại khoa có thể sử dụng thông tim can thiệp. Ưu điểm: can thiệp trong thời gian ngắn, sử dụng máy chụp mạch theo đường nội soi và không để lại sẹo. Thời gian hồi phục ngắn, ra viện, trở lại cuộc sống hàng ngày nhanh. Khi lớn như trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, can thiệp tim mạch không thể giải quyết tất cả dị tật, chí mang tính hỗ trợ chẩn đoán, như một phương pháp bổ trợ.

Tư vấn trực tiếp: Điều trị nội khoa và can thiệp bệnh tim bẩm sinh

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hùng - Khoa C5 - Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai

Hà Thanh (Đà Nẵng): Cháu gái em 5 tháng tuổi, bị tim bẩm sinh có tím, tuần trước vừa bị biến chứng thuyên tắc mạch não, cháu rất yếu. Theo tìm hiểu, được biết khi trẻ bị biến chứng này, cần bổ sung thường xuyên sắt cho trẻ để làm chậm quá trình đa hồng cầu và tăng độ quánh của máu. Mong Bác sĩ tư vấn giúp phương pháp này có đúng không? Cách điều trị nào hữu hiệu trong trường hợp của cháu gái em?

BS Nguyễn Minh Lý: Tim bẩm sinh tím sớm có nguy cơ cô đặc máu, tế bào hồng cầu tăng lên, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Bổ sung thêm sắt theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp rút máu để điều trị. Tùy xét nghiệm, bác sĩ có chỉ định truyền thêm dịch cho máu loãng ra, bớt biến cố tắc mạch.

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Tôi công tác trong ngành Y hơn 10 năm, thời gian làm việc ở BV Bạch Mai được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Có cháu gái vào viện vì ngất liên tục. Chúng tôi làm bệnh án và hỏi kĩ tiền sử gia đình thì bố cháu nói mẹ vừa mất. Đó là điều đáng buồn trong gia đình có 3 anh chị em. Em trai đang ngồi chơi, tự nhiên ngã rồi mất. Mẹ cũng vì ngất và không được cấp cứu kịp thời. Cháu được chẩn đoán mắc hội chứng về nhịp học, gây rối loạn nhịp tim. Phương pháp điều trị tốt nhất là cấy máy để kiểm soát cơn rối loạn, dùng kèm thêm thuốc. Tuy nhiên máy rất đắt tiền. Sau nhiều lần hội chẩn chuyên khoa, được nhiều nhà hảo tâm mong muốn chung tay hỗ trợ cho những hoàn cảnh đặc biệt, cháu đã được tài trợ chi phí cấy máy. Ban đầu cháu cũng lên cơn thoáng ngất, nhưng 1 năm trở lại đây, sức khỏe của cháu gần như ổn định, không bị những cơn ngất bất thình lình.

MC: Những năm gần đây, kỹ thuật phẫu thuật tim của nền y học Việt Nam đã được nâng lên một đẳng cấp mới. Nhiều ca bệnh tim khó, tưởng chừng như phải 'bó tay' song đã được các bác sĩ hóa giải nhờ ứng dụng những kỹ thuật mới tiên tiến. Ví dụ như một bệnh nhân bị cơ tim giãn ở giai đoạn cuối, chỉ còn phương pháp cuối cùng là ghép tim mới hy vọng sống nổi. Gần một tháng chờ đợi, bệnh nhân và gia đình đã vô vọng vì không có ai hiến tạng. Thần chết ngấp nghé nhiều lần, các thầy thuốc cũng hết cách khi mọi biện pháp cứu chữa đều không còn hiệu quả. May mắn, nhờ có quả tim từ 1 người chết não ở TP HCM chuyển ra HN, Thạc sỹ, ê-kíp BS BV Việt Đức phẫu thuật thành công cho bệnh nhân sau nhiều giờ căng thẳng. Sự kiện này chứng minh nền y học VN ngày càng phát triển, đã có thể chữa khỏi những ca bệnh nặng, khó. Thưa Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, ông đánh giá thế nào về ca bệnh này?

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: ghép tạng là lĩnh vực khá mới mẻ, đã có những bước tiến vững chắc. Bệnh nhân kịp thời được ghép tim ở bệnh viện Việt Đức với một ê-kíp tuyệt vời. Tìm được người hiến tim phù hợp là rất khó. Phẫu thuật khoảng 4-12 tiếng, kỹ thuật phức tạp, ca phẫu thuật thành công. Tôi nghĩ anh (Bệnh nhân) không cần bi quan, hãy sống tốt và luôn nhớ người đã hiến tim cho mình.

Thanh Lam (Hà Giang): Tôi sinh cháu đầu tiên bị tim bẩm sinh, sắp tới 2 vợ chồng có dự định sinh cháu thứ 2, tôi đang rất lo không biết bé thứ 2 có bị di truyền TBS không? Xin hỏi tôi cần làm gì để biết con thứ 2 có bị di truyền không? Có cách nào giảm nguy cơ này không thưa chuyên gia?

BS Nguyễn Minh Lý: Đây là câu hỏi thường xuyên của cha mẹ có ý định sinh con hoặc có trẻ bị tim bẩm sinh. Tính chất di truyền không phải là yếu tố tác động hoàn toàn đến việc bé thứ hai bị tim bẩm sinh. Trường hợp của bạn có thể có biện pháp dự phòng mang thai để giảm thiểu tỉ lệ mắc tim bẩm sinh. Sức khỏe bà mẹ tốt, ăn uống, bổ sung vitamin, bố ngừng hút thuốc lá (ảnh hưởng sức khỏe người mẹ, chất lượng nguồn gen không tốt). Trong thời gian mang thai tránh sử dụng thuốc không cần thiết (cúm, rubela...), ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất, tránh thực phẩm không có lợi cho cơ thể. Nguy cơ 1/10 do di truyền, 90% còn lại do yếu tố môi trường và lối sống, do đó bạn không nên quá lo lắng.

Tư vấn trực tiếp: Điều trị nội khoa và can thiệp bệnh tim bẩm sinh (P3)

Anh Quân: Trẻ bị tim bẩm sinh có nên tiêm phòng vắc-xin phòng các loại bệnh khác không, thưa BS? Các vắc-xin này liệu có ảnh hưởng gì đến bệnh hiện tại của bé không? Tôi cảm ơn.

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Phản ứng phụ khi tiêm vắc-xin ở trẻ bị tim bẩm sinh có thể gặp nhiều hơn những trẻ khác. Nên cho tiêm đủ những mũi bắt buộc, còn lại những mũi vắc-xin không bắt buộc thì bạn nên cân nhắc, tùy thuộc vào sức khỏe của con em mình.

MC: Xin được hỏi BS Nguyễn Minh Lý có lời khuyên nào cho các bậc cha mẹ để sớm phát hiện và điều trị TBS cho trẻ không?

BS Nguyễn Minh Lý: Nếu trẻ bú bình thường nhưng tăng cân chậm, bú ngắn mà ngừng lại thở, ở nơi thoáng mát nhưng lại ra mồ hôi nhiều... là những dấu hiệu cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm. Trong thời đại ngày nay, bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn có thể kiểm soát được, nên có bất kì dấu hiệu nghi ngờ nào, cũng nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe.

MC: Theo tôi được biết, trẻ bị TBS nhẹ mà trên lâm sàng không có triệu chứng thì không cần điều trị, tuy nhiên, tâm lý bậc làm cha làm mẹ khi đã biết con bị TBS vẫn luôn canh cánh nỗi lo. Vậy thưa chuyên gia Nguyễn Minh Hùng, các bậc phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc chăm sóc trẻ bị TBS thể nhẹ như thế nào (gồm chế độ dinh dưỡng, theo dõi định kỳ, thể chất, tâm lý…).

Thạc sỹ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng: Tim bẩm sinh nhẹ, không cần can thiệp qua da hay phẫu thuật, có thể chung sống với bệnh, vẫn phát triển bình thường, cha mẹ không nên quá lo lắng, hãy chăm sóc cháu như trẻ bình thường, giải tỏa tâm lí căng thẳng, không mặc cảm bệnh tật, có thể hòa nhập chơi đùa, phát triển thành người có ích cho xã hội. Phòng nguy cơ phơi nhiễm (viêm nhiễm nên được phát hiện sớm và xử trí kịp thời). Theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tái khám định kì.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!