Xét nghiệm cần thực hiện với bệnh nhân tiểu đường

Cần biết - 11/24/2024

Các chỉ số xét nghiệm có giá trị rất lớn trong việc hướng dẫn điều trị bệnh đái tháo đường.

Các chỉ số xét nghiệm sẽ cảnh báo cần phải dùng thuốc chống đái tháo đường cho người đang áp dụng kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn, thay đổi phác đồ điều trị từ dùng thuốc viên chống đái tháo đường sang bổ sung insulin, đánh giá kết quả điều trị.

Ở người đang kiểm soát đường huyết bằng chế độ dinh dưỡng dành cho người tiểu đường hoặc đang điều trị bệnh tiểu đường cần phải định kỳ làm các xét nghiệm để đánh giá kết quả điều trị, đánh giá tác dụng của việc kiểm soát đường huyết bằng ăn kiêng… Các xét nghiệm cần thực hiện là:

1. Định lượng đường huyết

Định lượng đường huyết có thể thực hiện ở các labo xét nghiệm hoặc có thể làm tại nhà bằng máy đo đường huyết cá nhân. Đường huyết bình thường lúc đói < 100 mg/dL (< 5,6 mmol/L), khi đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL (7 mmol/L), (làm 2 – 3 lần để so sánh) được chẩn đoán là bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm cần thực hiện với bệnh nhân tiểu đường

Các chỉ số xét nghiệm sẽ cảnh báo cần phải dùng thuốc chống đái tháo đường (Ảnh: Internet)

Người bị đái tháo đường cần duy trì đường huyết ở mức:

- Trước bữa ăn: 90-130mg/dl (5,0-7,2 mmol/L)

- Sau bữa ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/L)

- Trước lúc đi ngủ: 110-150mg/dl (6,0-8,3mmol/L)

Tùy theo diễn biến thực của bệnh mà định kỳ kiểm tra đường huyết lúc đói, hàng tuần hoặc vài ba ngày một lần, thử ở điều kiện và thời điểm như nhau để đánh giá.

Trong giai đoạn đầu áp dụng ăn kiêng cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn để đưa đường huyết vào khung an toàn như trên, nếu không đáp ứng được điều đó cần phải chuyển sang dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng.

Khi chế độ điều trị đã đi vào ổn định, ăn uống sinh hoạt lao động được, vẫn phải định kỳ hàng tháng hoặc tối thiểu 3 tháng kiểm tra đường huyết 1 lần, nếu thấy không đáp ứng được yêu cầu cần phải chuyển sang dùng thuốc chống đái tháo đường.

2. Chỉ số HbA1c

Chỉ số HbA1c phản ánh tình trạng đường huyết trong một giai đoạn dài (từ 3 tháng trước đến thời điểm lấy máu làm xét nghiệm), đây là chỉ số trung thực nhất để đánh giá kết quả điều trị đái tháo đường.

- HbA1c bình thường chiếm 4-6% trong Hemoglobin của hồng cầu.

- HbA1c dưới 6.5% cho thấy đường huyết được kiểm soát tốt.

- HbA1c trên 10%, đường huyết được kiểm soát rất kém.

- Mỗi 1% HbA1c tăng trên mức bình thường, giá trị đường huyết tương ứng tăng lên 30mg/dl hay 1,7 mmol/L.

Vì vậy, nếu sau 2 lần xét nghiệm chỉ số HbA1c cách nhau 3 tháng đều có trị số > 8 %  cần phải thay đổi phương thức điều trị, ở người đang ăn kiêng phải kết hợp thêm thuốc chống đái tháo đường, ở người đã dùng thuốc viên cần tiêm insulin.

Chỉ số HbA1c phản ánh đường huyết một thời gian dài và chỉ thay đổi sớm nhất là sau khoảng 4 tuần, cho nên đối với bệnh nhân đang dùng insulin cần làm xét nghiệm này 4 lần trong 1 năm và bệnh nhân không dùng insulin cần làm 2 lần/năm.

3. Chỉ số hóa nghiệm nước tiểu

Trong bệnh tiểu đường, sinh hóa nước niệu nhằm phát hiện đường niệu và ceto niệu: 

- Bình thường: Glucose niệu (-) Ceton niệu (-), pH =  5-8

- Bệnh lý tiểu đường:

+ Gluse (+), glucose (++) khi nồng độ glucose trong nước tiểu > 10g/lít

+ Ceto niệu (+)

+ pH giảm mạnh < 5

+ Tỉ trọng nước tiểu tăng, d > 1,030 (bình thường 1,01 – 1,02)

Trong điều trị tiểu đường bằng ăn kiêng hay dùng thuốc đều phải đạt chỉ tiêu glucose niệu(-) hoặc vết, ceto niệu (-), khi có kết quả đường niệu (++) cần phải thay đổi từ ăn kiêng sang kết hợp dùng thuốc chống đái tháo đường.

>> Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh tiểu đường

BS. Đỗ Hữu Thảnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!