THẮC MẮC

48 tuổi, bị nang tuyến tùng đau râm ran cả ngày có nên nhập viện trị xạ?

Chào bác sĩ. Tôi 48 tuổi, là nữ, tôi bị nang tuyến tùng đã đau đến mức độ mắt mờ, đau râm ran cả ngày tôi có nên nhập viện để trị xạ hay chưa?

Tư vấn

Chào bạn!
Tuyến tùng là một tuyến nội tiết nhỏ trong thần kinh thực vật. Nó tạo ra melatonin dẫn xuất từ serotonin, một hóc-môn tác động lên nhịp thức/ngủ và các chức năng theo mùa. Hình dạng của nó giống như một quả tùng nhỏ (nên có tên đó) và nằm gần trung tâm của não, giữa hai bán cầu, chui trong rãnh chỗ gặp nhau của hai đồi não. U hay nang vùng tuyến tùng có thể chèn ép não thất III, chèn ép cống não gây não úng thủy, chèn ép cuống não trên, chèn ép tiểu não, chèn ép hố sau… gây nên các rối loạn khác nhau. Đây là vùng có giải phẫu khá phức tạp, nằm sâu trong nhu mô não, xung quanh có nhiều mạch máu và cấu trúc quan trọng khác nên phẫu thuật tiếp cận vùng này vẫn còn là thách thức đối với nhiều phẫu thuật viên. Khối u vùng tuyến tùng có thể chia làm 4 loại sau: 1, U tế bào tuyến tùng 2, U có nguồn gốc từ tế bào mầm. 3, U tế bào thân kinh đệm 4, U màng não. Tùy theo tính chất giải phẫu bệnh của u mà chiến lược điều trị khác nhau. Nếu có u vùng tuyến tùng, thông thường bác sĩ sẽ không mổ ngay (trừ trường hợp khẩn cấp) mà có thể thực hiện 1 số thăm dò như định lượng AFP, HCG, sinh thiết định vị nhằm xác định bản chất của khối u. Những thăm dò đó cho phép biết được khối u lành hay ác tính và có giá trị trong chiến lược điều trị vì khối u vùng này có thể điều trị khỏi bằng phương pháp xạ trị. Ngoài các xét nghiệm sinh hóa thì khảo sát hình ảnh học của u vùng này có vai trò rất quan trọng nhất là chụp cắt lớp điện toán (CTScan) và chụp cộng hưởng từ (MRI). Khối u vùng tuyến tùng phần lớn là u ác tính (40%) nhưng đa số nhạy với xạ trị. Còn các u vùng này nếu lành tính thường được điều trị khỏi bằng phẫu thuật. bạn nên tái khám kiểm tra để bác sỹ tư vấn hướng can thiệp phù hợp.
Chúc bạn sức khỏe!