THẮC MẮC

Amylase tăng cao có phải bị viêm tụy nặng không?

Chào Bác sĩ! Cháu năm nay 30 tuổi cháu mắc quai bị hai ngày hôm nay. Hôm nay cháu đi xét nghiệm thấy Amylase trong máu tăng cao (1578,7) các Bác sĩ chẩn đoán bị viêm tụy, nhưng các hiện tượng của viên tụy như mệt mỏi, đau bụng... dường như cháu không thấy có. Vậy cháu xin hỏi tụy của cháu đang bị viêm nặng phải không ạ, có lên điều trị ngay hay chờ khi khỏi bệnh quai bị rồi xét nghiệm lại? Cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Một số biểu hiện của viêm tụy cấp là:
- Đau thường tập trung ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái. Đau có thể lan ra sau lưng, đau thường kéo dài trong vài ngày, đau thường xuất hiện hoặc nặng hơn khi ăn, đau tăng lên khi nằm ngửa.
- Mệt mỏi
- Buồn nôn (một số người có thể nôn ra ngoài nhưng sau đó vẫn không làm giảm cảm giác buồn nôn)
- Sốt, ớn lạnh, hoặc cả hai.
- Bụng chướng và nhạy cảm khi chạm.
- Nhịp tim nhanh (có thể do đau hoặc sốt, cũng có thể do phản xạ bù trừ khi bệnh nhân bị xuất huyết nội).
Bạn cần xem bạn có những biểu hiện này không, nếu không có những biểu hiện này thì nhiều khả năng không phải là bạn bị viêm tụy mà tình trạng Amylase trong máu tăng cao có thể vì nguyên nhân khác bao gồm viêm tuyến nước bọt. Không biết bạn nói bạn bị quai bị là do đã đi khám và được chẩn đoán như vậy hay chỉ là bạn nghĩ mình bị quai bị dựa trên các biểu hiện bên ngoài. Bạn cần biết quai bị và viêm tuyến nước bọt mang tai là hai bệnh hay bị chẩn đoán nhầm với nhau.
Biểu hiện quai bị: Bệnh nhân sốt 38 -39oC, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói, đau nhức các khớp xương, thăm khám thấy miệng ống Stenon phù nề, tấy đỏ nhưng không bao giờ có mủ chảy ra. Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan xuống dưới hàm. Da vùng sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ và có tính đàn hồi. Thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai, có khi chỉ sưng 1 bên, sưng 2 bên so với sưng 1 bên là tỷ lệ 6/1.
Biểu hiện viêm tuyến nước bọt mang tai: Bệnh nhân thấy vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến, da vùng tuyến sưng tấy đỏ đau, nói và nuốt đau, có hạch viêm phản ứng ở góc hàm hoặc sau tai cùng bên. Sốt 38 - 39oC, ấn vùng tuyến mang tai thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon.
Do đó bạn cần đi khám để kiểm tra lại xem bạn bị quai bị hay viêm tuyến nước bọt. Trường hợp của bạn có thể là tăng amylase trong máu do viêm tuyến nước bọt chứ không phải do viêm tụy. Bạn cần xác định chính xác bệnh thì mới có hướng điều trị đúng
Chúc bạn mạnh khỏe!