THẮC MẮC

Ăn cơm xong là tức và đau bên trái bụng là mắc bệnh gì? Tránh thức ăn gì?

Chào bác sĩ. Em năm nay 45 tuổi, là nam giới, mỗi khi ăn cơm xong em hơi tức và đau bên trái bụng cho đến khi xì hơi mấy lần thì hết đau và tức bụng. Vậy bác sĩ cho em hỏi em bị bệnh gì và nên tránh những thức ăn gì. Cám ơn bác sĩ.

Tư vấn

Chào bạn!
Có thể do bạn bị đầy bụng. Để hạn chế điều này nên tránh các thức ăn dễ gây đầy bụng, sinh hơi. Dưới đây là 13 loại thực phẩm ngỡ rằng sẽ tốt cho việc giảm đầy hơi nhưng thực tế lại không phải!
1. Sữa chua
Sữa chua rất tốt cho hệ tiêu hóa vì chúng có chứa probiotic có thể làm dịu bụng. Tuy nhiên, một số loại sữa chua có thể khiến tình trạng đầy hơi nghiêm trọng thêm. Các loại sữa chua này có chứa nhiều đường lactose khác nhau, chúng sẽ lên men trong cơ thể bạn và tạo ra các bong bóng khí bồng bềnh.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên tránh tất cả các loại sữa chua. Sữa chua thông thường chỉ chứa khoảng 12g đường và nhiều protein, rất tốt cho sức khỏe. Còn các loại sữa chua không béo và ít chất béo lại chứa đến gần 30g đường, có thể khiến bạn bị đầy hơi.
2. Rau cải
Bắp cải, bông cải xanh, súp lơ đều chứa một loại carbohydrate có tên là raffinose. Vì chúng ta không thể tạo ra một loại enzyme cần thiết có thể phá vỡ raffinose, nên loại carbohydrate này sẽ đi thẳng qua ruột non và không bị tiêu hóa.
Khi thức ăn vào ruột già mà không bị tiêu hóa trước, nó sẽ bị vi khuẩn lên men. Trong đại tràng sẽ phát sinh khí, gây ra đầy hơi và đặc biệt là xì hơi.
3. Các loại đậu
Vỏ ngoài của các loại đậu thường có chứa kháng tinh bột, một số chất không thể tự tiêu hóa được.
Để dễ tiêu hóa loại thực phẩm này, bạn nên ngâm chúng qua đêm. Nước có thể sẽ phá vỡ một số kháng tinh bột, do đó giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn.
4. Hành củ
Hành có chứa fructan, một loại carb có thể gây khó chịu cho bụng. Các nhà khoa học nhận định rằng cơ thể sẽ khó hấp thu các loại thực phẩm như tỏi, hành tây, hành củ và làm tăng lượng nước trong ruột. Kết quả là trong bụng phát sinh khí và bạn có thể bị đầy hơi.
5. Dưa hấu
Loại trái cây ngọt và thanh mát tự nhiên này lại có hàm lượng fructose rất cao. Theo các nhà khoa học, có đến khoảng 30 đến 40% người không thể hấp thụ được fructose hoàn toàn, dẫn đến đầy hơi, ứ khí và đôi khi bị tiêu chảy.
6. Kẹo cao su
Kẹo cao su có chứa nhiều chất làm ngọt nhân tạo, điển hình là sorbitol và xylitol, được hấp thụ rất chậm trong ruột non. Những chất làm ngọt này có thể lên men, phát sinh khí, làm đầy hơi, khiến bạn đau bụng và thậm chí là tiêu chảy.
7. Ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch đen)
Lúa mì và lúa mạch đen cũng nằm trong danh sách này vì chúng có chứa hàm lượng fructan khá cao không bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa. Đối với những người bị dị ứng gluten, việc ăn các loại ngũ cốc này có thể gây ra phản ứng miễn dịch, phá hủy màng trong ruột non. Điều này dẫn đến phát sinh khí, đầy hơi và tiêu chảy.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không bị dị ứng với gluten, chất xơ không hòa tan trong các loại ngũ cốc này vẫn có thể lên men bởi vi khuẩn, dẫn đến phát sinh những khí thừa thải.
8. Nước ngọt có ga
Các loại nước giải khát là những thức uống yêu thích trong mùa hè đối với nhiều người, nhưng chúng cũng đóng góp nhiều nhất cho việc phát sinh chứng đầy bụng. Các bong bóng do carbon hóa tạo ra bị mắc kẹt trong bụng, có thể dẫn đến tình trạng ứ khí trong bụng.
Do đó, thay vì sử dụng các loại nước này, bạn có thể nạp thêm nước bằng các loại nước trái cây hoặc thảo mộc. Dâu tây và húng quế là một sự kết hợp mới mẻ, nhưng cũng là cách dễ dàng tạo ra một thức uống có hương vị đặc biệt và tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp việt quất với bạc hà, gừng với dứa, giữ trong tủ lạnh khoảng 30 phút rồi thưởng thức.
9. Cà phê
Cà phê là thức uống bạn yêu thích để bắt đầu ngày mới, nhưng nó cũng là một trong những tác nhân gây đầy bụng. Caffeine trong cà phê sẽ làm tăng lượng axit trong dạ dày, gây kích ứng ruột và có thể dẫn đến đầy hơi, đặc biệt nếu bạn uống cà phê khi bụng đói.
Ngoài ra, nếu bạn thêm sữa bò vào cà phê, nhưng bạn là người mắc chứng không dung nạp lactose, thì việc cơ thể không tiêu hóa được lactose hoàn toàn có thể gây đầy bụng.
10. Bánh mặn
Bánh mặn là món ăn khoái khẩu và là lựa chọn hàng đầu cho những ngày dã ngoại, đi biển hay cắm trại ngoài trời. Tuy chúng có thể giúp bạn ngon miệng trong một lúc nhưng hậu quả để lại có thể sẽ rất khó lường.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng thực phẩm mặn kích thích cơ thể tích trữ nước và những chất lỏng dư thừa này có thể làm cho bạn cảm thấy chướng bụng. Đặc biệt, có ít nhất 75% natri trong khẩu phần ăn của chúng ta đến từ các loại thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như khoai tây chiên và bánh quy.
11. Táo
Hàm lượng chất xơ, fructose và sorbitol, đường trong táo rất cao có thể khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và đầy bụng do không tiêu hóa được. Một số loại trái cây khác cũng có thể gây đầy hơi bao gồm: lê, đào và mận.
Tuy nhiên, táo vẫn là một loại quả tuyệt vời đối với sức khỏe vì một quả táo có chứa đến 45g protein và 10% vitamin C cơ thể bạn cần mỗi ngày. Ăn táo có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề hô hấp, bao gồm hen suyễn, viêm phế quản và khí thủng phổi.
Vì thế, bạn nên ăn táo với lượng vừa phải để hấp thu các chất có lợi cho sức khỏe cũng như tránh bị đầy hơi.
12. Rượu
Bất kỳ loại rượu nào cũng có thể gây ra tác hại đối với hệ thống tiêu hóa của bạn. Vì rượu có tác dụng kích thích, nên nó có thể góp phần làm đầy hơi, đặc biệt nếu bạn đang mắc hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, một số đồ uống có cồn (như bia) cũng chứa gluten, có thể gây ra cơn đau bụng cho những người nhạy cảm với gluten hoặc không dung nạp gluten.
13. Sữa
Nếu bạn cảm thấy đầy hơi sau khi ăn vài lát phô mai hoặc uống một cốc sữa, bạn có thể mắc chứng không dung nạp lactose. Nghĩa là cơ thể của bạn thiếu các enzyme cần thiết để phá vỡ lactose (đường được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa). Điều đó có thể khiến khí hình thành trong đường tiêu hóa và gây ra đầy hơi.
Chúc bạn sức khỏe!