THẮC MẮC

Ăn no là đau tức vùng bụng trên

Bác sĩ ơi, em ăn no là đau tức vùng bụng trên. Xin Bác sĩ cho em hỏi đây là bệnh gì và điều trị có khỏi được không ạ?

Tư vấn

Chào bạn!
Đau tức vùng bụng trên sau ăn là triệu chứng thường gặp trong bệnh lý đường tiêu hóa. Nguyên nhân gây đau có thể là:
- Do thức ăn như: thức ăn bị ôi thiu, thức ăn bị nhiễm khuẩn, thức ăn có chứa chất cồn, đồ uống có ga, thức ăn có chứa thành phần gây dị ứng…
- Do bệnh viêm loét dạ dày: Đau bụng, thượng vị liên quan tới bữa ăn, đau ngay sau ăn, đặc biệt sau ăn no, kèm theo: đầy bụng, buồn nôn và nôn, chán ăn và giảm cân, có thể có triệu chứng xuất huyêt như đại tiện phân đen, nôn ra máu…
- Do ung thư dạ dày: Đây là nguyên nhân đáng lo ngại nhất của đau bụng sau khi ăn. Đau thường kèm theo hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa như nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc thiếu máu do chảy máu rỉ rả từ khối u, gầy sút cân nhanh.
- Sỏi mật: Sỏi mật gây cản trở dòng chảy của mật trong ống dẫn mật. Sau ăn do kích thích bài tiết mật, làm cho đường mật tăng co bóp có thể gây nên cơn đau bụng. Cơn đau thường dữ dội hơn cơn đau do các nguyên nhân khác.
- Viêm túi mật mạn tính: cơn đau thường xuất hiện ngay sau ăn, có thể kèm theo sốt, mệt mỏi.
- Hội chứng trào ngược do axit: Một trong những triệu chứng của bệnh trào ngược axit là đau bụng sau khi ăn. Hội chứng trào ngược axit có thể kèm theo các triệu chứng khác như ợ nóng, nôn mửa, buồn nôn, thấy khó khăn trong khi nuốt …
Trường hợp của bạn nếu đau mới chỉ xuất hiện một vài ngày thì nguyên nhân có thể là do đồ ăn. Nếu do nguyên nhân này bệnh sẽ khỏi khi loại bỏ thức ăn đó. Nếu đau tức sau ăn xuất hiện thường xuyên bạn cần đi siêu âm ổ bụng để loại trừ các bệnh lý đường mật. Trong trường hợp siêu âm ổ bụng bình thường, bạn cần đi soi dạ dày để kiểm tra. Khi đó tùy thuộc nguyên nhân bác sĩ sẽ điều trị cho bạn. Đa số các nguyên nhân đều có thể điều trị khỏi chỉ trừ bệnh ung thư dạ dày thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, cơ thể người bệnh và chẩn đoán giải phẫu bệnh là loại ung thư nào… Như vậy nếu đau thường xuyên bạn cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chúc bạn mạnh khỏe!