THẮC MẮC

Bé 1 tuổi bị tiêu chảy

Chào Bác sĩ! Con cháu được 1 tuổi mấy hôm nay con cháu bị tiêu chảy. Đi toàn nước và có chất nhầy. Vậy cháu nên làm gì để con cháu mau hết tình trạng này? Mong Bác sĩ cho cháu một lời khuyên. Cháu xin cảm ơn Bác sĩ.

Tư vấn

Chào cháu,
Theo như cháu kể trong thư thì bé nhà cháu bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều nước và có chất nhầy. Đây là những biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp mà nguyên nhân hay gặp nhất là do rotavirus.
Để điều trị tiêu chảy cấp do rotavirus cháu cần chú ý những điều sau:
1.Bù nước cho bé
Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy là bù nước, bù điện giải, tốt nhất là bằng nước oresol. Trên thị trường hiện có nhiều loại dành cho các bé với hương vị rất dễ uống. Cần lưu ý là pha vào nước theo đúng hướng dẫn sử dụng, không pha loãng hay đặc quá vì nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn.
Khi pha oresol thể tích nước phải đong thật chính xác đến từng ml. Nên đút từng thìa oserol một cho bé, 2 phút một lần, không nên cho bé tu hoặc uống liên tục. Uống nhiều và liên tục, oserol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn.
3. Dinh dưỡng
Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, cho bú bình thường, ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, chuối tiêu, uống sữa... và ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên dùng loại không có lactose.
Tuy nhiên, do trướng bụng nên nhiều khi bé không chịu ăn thì cũng không nên quá quá lo lắng và tìm mọi cách ép ăn, thay vào đó có thể tìm cách dỗ để bé ăn từng chút một. Hiện tượng đầy hơi thường hết sau 1-2 ngày.
Đặc biệt, không cho bé ăn các loại lá và quả chát có nhiều chất tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... Chất tanin có tác dụng làm săn màng ruột, có tác dụng ngay tức khắc, nên trẻ cầm tiêu chảy ngay. Tuy nhiên, cách điều trị này có thể gây hại cho trẻ. Do niêm mạc ruột bị săn lại khiến các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài.
4. Khi nào cần đưa bé đi bệnh viện?
Nếu bé bị tiêu chảy, nôn trớ nhưng chịu uống nước oresol, ăn được, chơi bình thường... thì không nhất thiết phải truyền dịch. Nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cần đưa bé đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.
5. Tuyệt đối không dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy
Khi bé bị tiêu chảy do virus, tuyệt đối không được cho bé uống thuốc kháng sinh, vì kháng sinh không những không có tác dụng mà còn khiến bé có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, làm bệnh nặng hơn hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Ngoài ra, cháu cũng không nên cho bé uống các thuốc cầm tiêu chảy theo sự mạch bảo của người khác vì chúng làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Do đó, chất độc có thể bị ứ đọng lại trong ruột gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Chúc bé mau khỏi bệnh!