THẮC MẮC

Bé 13 tháng chỉ bú sữa mẹ

Chào Bác sĩ! Con cháu được 1 năm 28 ngày rồi mà không chịu ăn uống gì chỉ bú sữa mẹ. Cháu sọ con bị suy dinh dưỡng. Mong Bác sĩ chỉ cho cháu nguyên nhân và cách khắc phục.

Tư vấn

Chào bạn !
Những thông tin bạn cung cấp quá ít và sơ lược. chúng tôi không biết được nhiều thông tin cần thiết như: cháu cao bao nhiêu centimet, năng bao nhiêu kilogam, cháu mọc răng như thế nào, cháu ngủ có ngon không, có hay giật mình, tỉnh giấc không. Hiện cháu 13 tháng tuổi, cháu đã biết đi chưa. Những mô tả đó giúp chúng tôi định hướng về tình trạng phát triển thể chất, tinh thần và vận động của cháu có bình thường hay không. Nếu như cháu phát triển tốt về thể chất, tinh thần và vận động thì bạn không nên quá lo lắng.
Trẻ từ chối không chịu ăn thức ăn ngoài sữa mẹ có nhiều nguyên nhân như trẻ có thể bị rối loạn cảm giác, trẻ bị dị ứng với thức ăn, trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản... Ngoài ra còn do thói quen của trẻ, trẻ lệ thuộc vào sữa mẹ, và đây là nguyên nhân thường gặp hơn cả.
Trường hợp cháu bé nhà bạn tôi không rõ bạn cho cháu tập ăn dặm như thế nào có đúng cách hay không. Vì vậy xin lưu ý bạn một số điểm sau đây:
Khi cháu mới tập ăn dặm, các thức ăn cần nghiền, xay nát. Để cháu tập làm quen với thức ăn, không ép trẻ ăn nếu trẻ không muốn, tránh ép trẻ ăn, có thể tạo nên tình trạng trẻ sợ hãi, coi ăn uống là điều khó khăn, là ép buộc.
Bạn nên kiên trì giúp con bạn nhận biết các loại thức ăn, vì bây giờ cháu đã quen với sữa mẹ, và sữa mẹ tốt thì nhu cầu dinh dưỡng với cháu từ nguồn sữa mẹ đã đầy đủ nên cháu không có nhu cầu ăn thêm thức ăn khác ngoài sữa mẹ nữa. Tuy nhiên ở lứa tuổi trẻ 13 tháng tuổi, thì trẻ đã có hệ men tiêu hóa phát triển tương đối đầy đủ để có thể tiêu hóa thức ăn, trẻ cũng cần tập nhai để cho hệ cơ hàm phát triển, ở lứa tuổi này nếu tập ăn dặm cho trẻ trong khoảng thời gian từ 6- 9 tháng tuổi, thì trẻ đã có thể ăn được cháo.
Bạn tập cho cháu bé ăn dặm, không cần ăn nhiều ngay một lúc mà nên cho cháu ăn ít một, làm quen với thức ăn lạ. Nên ăn theo nguyên tắc từ lỏng đến đặc dần, từ ít đến nhiều, xen kẽ các bữa ăn dặm là các cữ bú của bé.
Trường hợp cháu nhà bạn, đòi hỏi bạn hết sức kiên trì vì cháu ăn dặm quá muộn, cháu đã có thói quen là chỉ sữa mẹ do vậy, bạn phải giúp cháu dần dần khắc phục thói quen này. Nên tìm thời gian thích hợp của mẹ để giúp con ăn dặm cho phù hợp, nên cho con ăn khi nào con cảm thấy đói, và nên tập cho con ăn dặm vào những giờ nhất định trong ngày. Bạn nên giảm số lượng bữa bú cho bé, tạo cho bé cảm giác đói, nhất là ban đêm khi bé đói, bé sẽ tìm ti mẹ, hoặc bé khóc, mẹ cho bé ăn và khi “no” bé sẽ ngủ tiếp. Khi bé luôn có cảm giác “no” bé sẽ từ chối ăn thức ăn lạ. Khi bé đã ăn dặm được thì bé ti mẹ sẽ giảm đi. Vì vậy, em nên tập để cho trẻ giảm bú đêm, với mục tiêu làm cho trẻ có cảm giác “đói”, đến sáng cho bé tập ăn dặm. Việc giảm bú cũng cần lưu ý là phải từ từ, tránh dừng bú đột ngột gây “sốc” cho trẻ. Lúc đầu mỗi bữa có thể chỉ là một vài thìa một bữa, rồi tăng dần số lượng, tăng dần số bữa trong ngày, giúp bé quen dần với thức ăn. Nếu trẻ không hợp tác, bạn có thể dừng việc tập ăn 3 - 4 ngày rồi lại tập cho bé ăn lại như nêu trên.
Trong trường hợp, bạn đã thử kiên trì mà bé vẫn không thay đổi, bạn nên đưa cháu đi khám để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Chúc cháu bé mạnh khẻ, hay ăn, chóng lớn !