THẮC MẮC

Bé 14 tháng chân bị yếu không đứng được sau điều trị bệnh lỵ

Con trai tôi 14 tháng tuổi, nặng 9.5 kg, đã biết đi. Sau khi bị bệnh lỵ, sốt chân cháu yếu hẳn đi không đứng được nữa dù hai chân vẫn cử động bình thường. Xin hỏi các Bác sĩ tình trạng của con tôi có nguy hiểm không? Xin cảm ơn!

Tư vấn

Xin chào bạn,
Như bạn kể thì con trai của bạn 14 tháng tuổi, nặng 9.5 kg, đã biết đi. Sau khi bị bệnh lỵ, sốt chân cháu yếu hẳn đi không đứng được nữa nhưng hai chân vẫn cử động bình thường. Tuy không được khám bệnh trực tiếp cho cháu nhưng chúng tôi có thể dự đoán cháu bị bệnh lỵ trực khuẩn. Đó là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây tổn thương ruột già và đoạn cuối ruột non. Khác với người lớn, lỵ ở trẻ em có diễn biến cấp tính và thường rất nặng. Bệnh có ở mọi lứa tuổi và thường gặp vào mùa hè. Bệnh có nguy cơ lây cao ở những vùng không có nguồn nước sạch để dùng trong sinh hoạt.
Trực khuẩn lỵ có thể sống ở đất được vài tháng, ở ruồi nhặng 2-3 ngày, ở đồ chơi, đồ dùng, giường chiếu được vài ngày. ở sữa và chế phẩm của sữa, trực khuẩn lỵ có khả năng phát triển mạnh. Trực khuẩn lỵ dễ bị chết nếu phơi dưới ánh nắng mặt trời, nếu đun sôi sẽ chết trong 10 phút. Lỵ có khả năng sinh sôi và nhiễm thành bệnh rất mạnh.
Người là nguồn lây bệnh chủ yếu, nhất là những người bị bệnh cấp tính. Ở giai đoạn đầu của bệnh sẽ có một lượng lớn vi khuẩn thải ra ngoài theo phân. Tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm lại hay gặp ở những người bị bệnh mạn tính vì họ ít được cách ly. Những người này có thể mang mầm bệnh từ vài tháng tới vài năm. Ở động vật, linh trưởng cũng có thể là nguồn lây bệnh.
Mỗi năm có khoảng 600.000 bệnh nhân tử vong do lỵ trực khuẩn. 2/3 số trường hợp mắc và tử vong là ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh ít gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh hay gặp ở nơi đông người: trại tị nạn, nhà tù, trung tâm nuôi dưỡng trẻ, trại mồ côi, vùng lũ lụt. Bệnh lưu hành cả ở vùng nhiệt đới và vùng ôn đới. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành trên cả nước và gia tăng trong mùa hè.
Bệnh lỵ có 2 phương thức lây truyền trực tiếp và gián tiếp. Lây trực tiếp là lây từ người bị bệnh sang người lành do tay bị nhiễm khuẩn. Lây gián tiếp theo đường phân – miệng là lây do thức ăn và nước uống. Những người có nguy cơ lây cao như không rửa tay sau khi đi ngoài, để móng tay dài, không rửa tay trước khi ăn. Ruồi là tác nhân nguy hiểm lây truyền bệnh. Trực khuẩn lỵ từ miệng qua dạ dày, tại đây một số bị diệt bởi dịch vị. Số còn lại qua ruột non đến ruột già bám dính vào niêm mạc, xâm nhập qua niêm mạc và gây bệnh. Tất cả mọi người đều có tính cảm nhiễm với bệnh. Trẻ em nhất là trẻ suy dinh dưỡng nguy cơ cao hơn.
Thời kỳ ủ bệnh từ 12-96 giờ (1-4 ngày). Sau đó khởi phát thường đột ngột với triệu chứng đau quặn, mót rặn và phân có nhày máu. ở trẻ nhỏ, trẻ khóc từng cơn khi đi ngoài, đi nhiều lần phân lỏng số lượng ít, phân có nhày, có khi phân toàn máu “như nước rửa thịt” hoặc màu “máu cá”. Có khi phân nhày như mủ và rất tanh.
Các triệu chứng kèm theo là sốt cao, đau khớp, mất nước, nôn hoặc co giật, hôn mê, có thể có sốc (đặc biệt trong thể lỵ nhiễm độc do S.shigae).
Những thể bệnh nhẹ, bệnh nhi dường như chỉ có triệu chứng phân nhày đi ngoài nhiều lần trong ngày.
Để xác định cầ dựa vào triệu chứng lâm sàng như đau quặn, quấy khóc khi đi ngoài, phân nhày máu, xét nghiệm phân có hồng cầu, bạch cầu. Chắc chắn nhất là khi cấy phân có trực khuẩn lỵ, để chẩn đoán phân biệt với các bệnh tiêu chảy do virut, do nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, amíp, E.coli...
Điều trị rối loạn nước và điện giảiở bệnh nhi lỵ rất quan trọng, bù nước và điện giải theo phác đồ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới tùy theo mức độ mất nước. Chống rối loạn thăng bằng toan kiềm.
Điều trị triệu chứng sốt cao, co giật. Lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ, tránh ăn kiêng.
Điều trị căn nguyên: Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ hoặc có thể chọn một trong các thuốc như: trimethoprim-sulfamethoxazol (bactrim, biseptol), nevamycin...
Trường hợp con của bạn chưa đi lại được có thể do sau khị bị bệnh ly, cháu bị mất nước và điện giải, cũng có thể bị suy kiệt sau lỵ. Bạn nên theo dõi và chăm sóc cháu. Chúng tôi tin rằng một thời không xa nữ cháu sẽ phục hồi và đi lại bình thường.
Chúc cháu mau khỏi.