THẮC MẮC

Bé 2 tháng tuổi bị đau bụng

Chào Bác sĩ! Tôi có con nhỏ 2 tháng tuổi. Bé thường xuyên bị đau bụng, liệu có thể cho bé uống thuốc đau bụng của người lớn với số lượng nhỏ không? Xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Con bạn 2 tháng tuổi, thực ra rất khó xác định trẻ đau bụng vì cháu chưa biết nói. Có thể trẻ đau bụng khi thấy cháu ưỡn bụng, khóc từng cơn… Bạn không nên cho bé uống thuốc đau bụng của người lớn với số lượng nhỏ vì trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại. Nếu dùng thuốc của người lớn, trẻ dễ bị ngộ độc.
Ở trẻ nhỏ 2 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ bú sữa ngoài thì một trong những nguyên nhân đau bụng là táo bón và rối loạn tiêu hóa. Trẻ bú mẹ rất hiếm khi bị táo bón. Trẻ bú sữa ngoài dễ bị táo bón hơn so với trẻ bú mẹ. Trẻ được cho là táo bón khi phân khô cứng, vón thành cục nhỏ và trẻ phải cố rặn mới đi ngoài được.
Muốn có đủ sữa cho con bú, chị nên ăn uống đầy đủ và đa dạng chất dinh dưỡng, tránh kiêng khem không đúng. Để đảm bảo chất lượng sữa cho bé, chị cần ăn đủ năng lượng. Nhu cầu năng lượng của bà mẹ cho con bú trong sáu tháng đầu tăng hơn so với bình thường 500-600 kcalo. Để đạt nhu cầu năng lượng này, bạn cần ăn nhiều hơn trong bữa chính và ăn thêm 2-3 bữa phụ mỗi ngày.
Bạn nên chú ý đảm bảo đủ thực phẩm giàu đạm, nên chọn đạm có giá trị sinh học cao (thịt, cá, trứng, sữa), đây cũng là thực phẩm giàu vitamin A. Nếu không thích ăn thịt cá có thể chọn thực phẩm giàu đạm thực vật như các loại đậu, đậu nành. Các loại thịt cá màu đỏ (thịt heo, thịt bò, cá thu, cá ngừ…) sẽ có nhiều chất sắt tạo máu và cả chất kẽm giúp trẻ tăng trưởng.
Bạn nên thường xuyên ăn rau, trái chín cây để nhận đủ vitamin, khoáng chất. Các loại rau xanh đậm hoặc củ quả vàng cam đậm sẽ có nhiều betacaroten là tiền chất của vitamin A giúp trẻ tăng trưởng và phòng bệnh khô mắt. Canxi có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa, tôm tép ăn cả vỏ, cá nhỏ ăn cả xương, các loại rau xanh. Nên sử dụng muối iôt thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày (không ăn mặn) để cung cấp đủ iod giúp phát triển trí não ở trẻ.
Bạn cần tránh sử dụng chất kích thích như trà hay cà phê, hạn chế các gia vị nặng mùi làm thay đổi mùi sữa khiến con bạn không thích bú sữa mẹ. Bạn cũng cần uống đủ nước (nước chín, sữa, nước trái cây, xúp…) khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày.
Chúc con bạn mau khỏi!