THẮC MẮC

Bé 21 tháng tuổi thường xuyên bị nôn sau ăn

Chào Bác sĩ! Con tôi được 21 tháng tuổi. Từ lúc sinh ra đến giờ cháu thường xuyên bị nôn sau ăn và trong khi mới bắt đầu ăn. Cháu không bị táo bón, phân dẻo, nhưng vì cháu nôn quá hiều bữa nào cũng nôn 1-3 lần làm cháu khó bị suy dinh dưỡng thấp còi, giờ mới nặng 9,5kg cao 77,5cm. Bác sĩ ơi con tôi bị sao và nên mua thuốc gì cho cháu uống để hết nôn?

Tư vấn

Chào bạn!
Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản là một vấn đề lâm sàng rất thường gặp, đó là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất từ dạ dày lên thực quản. Có khoảng 2/3 số trẻ em mắc hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản trong những tháng đầu đời. Đó là một hiện tượng sinh lý bình thường do hệ tiêu hóa phát triển còn non nớt. Đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Chỉ một số ít sẽ tiếp tục diễn tiến lâu hơn và xuất hiện các biến chứng nặng nề. Biến chứng của bệnh trào ngược là viêm thực quản gây chít hẹp thực quản làm cản trở sự lưu thông thức ăn từ trên xuống.
Các bà mẹ khi nuôi con cần nhận biết được bé bị trào ngược sinh lý hay bệnh lý. Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị nôn trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, bú đều đặn, không bị khò khè tái đi tái lại… thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý, sẽ thoái lui dần theo thời gian (thường chậm nhất là ở thời điểm 1 tuổi). Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa hoặc nôn khi ăn sau 1 tuổi, hoặc trẻ chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, sợ ăn, hay bị khò khè kéo dài đáp ứng kém với điều trị, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì nhiều khả năng là trào ngược đã có biến chứng (trở thành bệnh lý).
Trường hợp con bạn có khả năng là tình trạng trào ngược bệnh lý. Do cháu nôn nhiều, ăn vào lại nôn ra dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Cháu đã 21 tháng mà vẫn bị nôn nhiều, vậy bạn cần đưa cháu đi khám bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa nhi để làm thêm xét nghiệm cận lâm sàng (xâm nhập hoặc không xâm nhập) giúp chẩn đoán chính xác và điều trị được kịp thời. Hiện nay có một số thuốc chống nôn trên thị trường như motilium, primperan nhưng bạn cũng không nên tự mua thuốc điều trị cho cháu. Tuy nhiên việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp làm giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé. Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn, lượng sữa nên chỉ để khoảng 60 ml một lần uống. Sau khi cho ăn không nên để cháu vận động, chạy nhảy nhiều dễ nôn trớ.
Làm đặc sữa hoăc thức ăn cũng là biện pháp được cân nhắc bằng cách bỏ thêm bột gạo vào sữa, giúp sữa sệt hơn. Không nên cho trẻ ăn sữa chua và các sữa nghi ngờ có tình trạng dị ứng cũng như các thức ăn gây dị ứng gây nôn. Bạn nên dùng loại sữa có bổ sung chất xơ tự nhiên sẽ duy trì được độ sệt sữa trong dạ dày sẽ hạn chế nôn.
Chúc con bạn khỏe mạnh!