THẮC MẮC

Bé 3 tháng mà đi ngoài 1 lần/ tuần có sao không?

Thưa Bác sĩ! Bé nhà em được hơn 3 tháng, nặng 6.8kg nhưng 1 tuần bé mới đi ngoài một lần. Vậy bé nhà em có sao không? Và nên chữa trị cho bé thế nào ạ?

Tư vấn

Chào em!
Bé nhà em được hơn 3 tháng mà nặng 6,8 kg là bé phát triển bình thường về cân nặng. Em không cho biết rõ bé đang bú mẹ hay bú sữa công thức, em nên mô tả rõ màu sắc, tính chất phân của bé - có bị táo hay không và bị đã lâu chưa? Tuy nhiên, hiện tượng bé đi ngoài 1 lần/tuần như vậy là bé bị táo bón rồi.
Bình thường ở độ tuổi này, bé có thể đi ngoài từ 1-2 lần/ngày. Trong thời gian 3 tháng đầu, đây là thời gian bé chủ yếu bú sữa mẹ (rất giàu dinh dưỡng và dễ hấp thu). Vì vậy, nguyên nhân chính khiến bé bị táo bón trong thời kỳ này có thể là do chế độ ăn của mẹ làm thay đổi thành phần dinh dưỡng trong sữa khiến bé bị táo bón. Hoặc có thể do bé được bú mẹ ít, bé bị thiếu sữa, thiếu nước nên dễ bị táo bón. Triệu chứng táo bón ở trẻ cũng dễ nhận biết: khoảng cách giữa 2 lần đi ngoài của bé dài hơn bình thường, bé đi ngoài dưới 2 lần/ngày (với trẻ sơ sinh), dưới 3 lần/tuần (với trẻ đang bú mẹ), phân rắn, nhỏ như phân dê hoặc quá to. Bé đi ngoài khó khăn, không tự đi ngoài được, đau và bé quấy khóc, rất sợ đi ngoài. Một số bé có thể có triệu chứng như đau bụng, ưỡn bụng lên, chán ăn, ăn kém… Nếu bé bú sữa công thức cũng có thể bị táo bón ở độ tuổi này.
Tuy nhiên, ở độ tuổi này bé cần được thăm khám để loại trừ một số nguyên nhân thực thể như bệnh phình đại tràng, hẹp hậu môn…
Vì vậy, nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn, em nên ăn những thức ăn nhuận tràng như ăn nhiều rau xanh, quả chín. Nên chọn lọc những thức ăn tốt cho cả mẹ và bé như bơ, bí đỏ, đu đủ, khoai lang… Nên cho bé bú như bình thường hoặc có thể bú nhiều hơn để cung cấp chất dinh dưỡng cũng như nước để hệ tiêu hóa của bé hoạt động.
Nếu bé bú sữa công thức, em cần kiểm tra lại xem cách pha sữa đã đúng như hướng dẫn chưa, loại sữa bé dùng có nhiều đạm quá không, có gây nóng trong cho bé không? Cần thiết thì có thể em phải đổi sữa khác phù hợp cho bé.
Ngoài ra, em nên giúp bé thực hiện một số động tác vùng bụng để bé dễ chịu hơn cũng như dễ đi ngoài hơn: masage vùng quanh rốn, xung quanh bụng cho bé; làm 2 chân bé cử động như động tác đạp xe…
Nếu sau khi thực hiện các cách như vừa nêu trên mà bé vẫn bị táo bón, em nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
Chúc bé ngoan, hay ăn, chóng lớn!