THẮC MẮC

Bé 6 tháng tuổi bị đi ngoài phân nhầy

Chào Bác sĩ! Bé nhà tôi mới 6 tháng tuổi đang bị đi phân nhầy và xanh. Vậy tôi cần cho bé uống thuốc gì?

Tư vấn

Chào bạn,
Theo như triệu chứng mô tả bệnh của con bạn, bạn chỉ nói bé đang bị đi phân nhầy và xanh, bạn không nói thêm các biểu hiện khác của bé như bé có quấy khóc, số lần đi ngoài trong 1 ngày của bé. Bé có các triệu chứng khác kèm theo như sổ mũi, có ho không, có sốt không? Theo tôi bạn lên đưa cháu bé đi khám bác sĩ vì phân nhầy có màu xanh hoặc trắng thường là dấu hiệu bé bị rối loạn tiêu hóa hoặc bị sổ mũi, viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên. Nếu bé không sổ mũi, không ho, cần đưa bé đi khám bác sĩ vì có thể bé bị rối loạn màng nhầy ở ruột.
Bạn có thể tham khảo một số triệu chứng khi phân không bình thường dưới đây:
Với trẻ bú mẹ, phân “hoa cà hoa cải” không thối, đôi khi có mùi chua chua. Với trẻ lớn hơn, phân thường mềm mịn và khá đồng nhất, thường có màu vàng sẫm hoặc nhạt, mùi không quá thối, không thối khắm. Khi có các biểu hiện dưới đây là phân không bình thường, cần theo dõi trẻ nếu cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ.
- Phân có chất nhầy trắng hoặc xanh là dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc bị sổ mũi, viêm mũi họng, vievvem đường hô hấp trên. Nếu đường hô hấp của trẻ bình thường, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ vì có thể trẻ bị rối loạn màng nhầy ở ruột.
- Phân có mủ kèm theo mùi thối khắm thường gặp ở trẻ bị viêm đường ruột hoặc bị bệnh ở đường tiêu hóa. Nếu khi đại tiện, trẻ quấy khóc, đau bụng buồn nôn, đi ngoài nhiều lần, có sốt thì có thể trẻ bị kiết lị.
- Phân có máu hoặc nghi ngờ có máu, trẻ bị viêm ruột cấp, phải đưa trẻ đến bác sĩ nhi khám và điều trị kịp thời.
- Phân có màu xanh cỏ úa, lỏng hoặc phân không thành hình, có màu vàng nhạt hoặc màu vàng sẫm kèm theo ít thức ăn chưa tiêu hóa, mùi hôi thối là do trẻ ăn quá nhiều, trẻ không hấp thụ hết lượng thức ăn. Các mẹ cần giảm bớt lượng ăn cho trẻ.
- Phân có màu xanh sẫm, lượng ít, có dính nhầy, khi bú hoặc sau khi bú trẻ thường quấy khóc thường do trẻ bị đói, các mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc tăng lượng sữa phù hợp để trẻ bú đủ, bú no.
- Phân có màu xám thường gặp ở trẻ được nuôi bằng các loại sữa bột. Cha mẹ nên theo dõi phân, nếu thấy phân ngày càng xám và rắn lại, nên tư vấn bác sĩ dinh dưỡng nhi vì có thể loại sữa đang dùng không phù hợp với trẻ.
- Phân màu nâu nhạt, vón cục, thường do trẻ uống quá ít nước nên bị thiếu nước hoặc chế độ ăn ít tinh bột và chất xơ. Để khắc phục tình trạng trên, hàng ngày các mẹ cần cho con uống đủ nước và đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và rau xanh.
- Khi trẻ đi ngoài ngày 3-4 lần, màu phân có dạng như hồ loãng màu vàng nhạt, nguyên nhân có thể do khi ngủ trẻ bị lạnh bụng. Để trẻ không bị lạnh bụng, khi đi ngủ dùng một tấm chăn mỏng đắp vào vùng bụng giúp giữ ấm bụng cho trẻ. Có thể cho trẻ uống nước gạo đã rang vàng, hoặc dùng nước gạo rang vàng pha sữa cho trẻ uống một vài ngày cho đến khi phân trở lại bình thường.
- Phân nửa thành hình, nửa như nước, đó là biểu hiện trẻ bị mắc bệnh cúm, lên sởi…Nếu phân lỏng như nước, ngày đại tiện trên 10 lần thì đó là do ngộ độc thức ăn. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay đề phòng hiện tượng mất nước, nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
- Phân cứng, mặt ngoài có nhầy hoặc máu là biểu hiện của bệnh táo bón. Nếu trẻ bị táo bón nặng, có thể cho trẻ uống 60-70ml mật ong (chỉ dùng đối với trẻ trên 1 tuổi) hoặc 5-10 ml dầu vừng, dầu lạc đã nấu chín để chữa khỏi táo bón.
- Phân như nước vo gạo có màu trắng đục, số lần đại tiện và số phân nhiều kèm theo nôn mửa, đó có thể là do bị bệnh tả. Các mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
- Phân như bã đậu, có màu xanh lẫn chất nhầy là do trẻ bị viêm nhiễm ở đường ruột.
Các bà mẹ nên theo dõi phân của trẻ hàng ngày để kịp thời đoán biết sức khỏe của trẻ. Khi phân của trẻ có những dấu hiệu bất thường kể trên, cần theo dõi để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, ngủ, nghỉ hợp lý giúp trẻ chóng lớn, khỏe mạnh. Khi trẻ khóc, quấy, bỏ ăn, đi ngoài nhiều lần…. phải đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để để được theo dõi và điều trị.
Chúc cháu bé sớm khỏi bệnh!