THẮC MẮC

Bé 6 tuổi bị trào ngược dạ dày

Chào Bác sĩ! Con tôi, đứa lớn năm nay 6 tuổi có bệnh gì mà khi ăn vào hay bị nôn ra, chỉ 1 phần thôi. Đi khám Bác sĩ bảo bị trào ngược dạ dày, uống thuốc nhiều nhưng vẫn không khỏi, bé tụt 3 kg. Vậy xin Bác sĩ tư vấn giúp cho có cách chữa trị gì không?

Tư vấn

Chào bạn,
Trào ngược dạ dày là vấn đề về tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ nhỏ nhưng nó được xem như một hiện tượng sinh lý bình thường do sự phát triển còn non nớt của hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Ước tính có hơn 50% trẻ khỏe mạnh có tiền sử trào ngược dạ dày trong 3 tháng đầu đời; 67% ở trong 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ khỏi khi trẻ lớn lên nhờ cấu trúc đường tiêu hóa dần hoàn chỉnh và chế độ ăn cũng đặc dần. Ở thời điểm 8 tháng tuổi thì có đến 85% trẻ bị trào ngược sẽ hết triệu chứng và chỉ khoảng 5% trẻ tiếp tục vẫn bị trào ngược sau thời điểm 1 tuổi. Nhóm trẻ này sẽ dễ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng của trào ngược, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và tình trạng trào ngược sinh lý trước kia giờ trở thành bệnh lý, đó là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Như vậy trường hợp con bạn xuất hiện triệu chứng trào ngược khi đa 6 tuổi là biểu hiện bệnh lý. Bạn cần đưa cháu đi khám lại ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được chỉ định điều trị thích hợp.
Về điều trị trào ngược dạ dày, có 2 cách sau đây:
Điều trị nội khoa:
- Các thuốc trung hòa acid dạ dày như Maalox, Mylanta, Gelusil, Rolaids và Tums giúp giảm nhanh triệu chứng nhưng không làm liền các tổn thương ở thực quản.
- Các chất chẹn thụ thể H2 như cimetidin, famotidin, nizatidin hoặc ranitidin làm giảm tiết acid và có tác dụng thuyên giảm bệnh lâu dài.
- Các chất ức chế bơm proton ức chế sản sinh acid và giúp niêm mạc thực quản có thời gian liền tổn thương.
Điều trị ngoại khoa:
Thủ thuật Nissen siết chặt cơ vòng thực quản dưới để ngăn ngừa trào ngược bằng cách khâu phần đỉnh của dạ dày bao quanh bên ngoài đoạn thực quản dưới. Hiện nay phẫu thuật này có thể được tiến hành qua nội soi.
Tuy nhiên, bên cạnh việc điều trị, bạn cũng cần thực hiện các biện pháp sau cho cháu để phòng tránh bệnh nặng lên:
Tránh cho cháu ăn những thức ăn giàu chất béo, đồ chiên, sôcôla, cà chua, chanh, gia vị chua cay quá mức, rượu bia, nước giải khát có gas, cà phê. Tránh ăn trước giờ đi ngủ khoảng ba giờ. Trong lúc ngồi ăn, cần giữ thẳng người, tránh cúi người ra trước. Không được ăn quá no mà nên ăn nhiều bữa trong ngày. Không nằm hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn. Khi nằm cần kê đầu cao từ 15-20cm. Tránh mặc quần áo quá chật. Thường xuyên luyện tập thể dục để giữ cân nặng hợp lý. Tránh dùng một số thuốc như thuốc kháng viêm giảm đau Aspirin, thuốc an thần, thuốc ức chế canxi...vì các thuốc này làm dãn cơ vòng thực quản dưới.
Chúc cháu chóng bình phục.