THẮC MẮC

Bé 7 tháng tuổi bị tiêu chảy

Chào Bác sĩ! Cháu nhà em là bé trai được hơn 7 tháng tuổi rồi. Hiện tại thì cháu không bú mẹ nữa mà uống sữa bột số 2 tên là similac gain total và có ăn bột gạo xay. Hiện nay cháu nặng 10kg rồi. Nhưng từ khi cháu uống sữa số 2 với đi nhà giữ trẻ tư nhân thì cháu nhà em bị tiêu chảy. Gia đình em đã đi khám cho bé ở những bệnh viện chuyên khoa nhi và Bác sĩ chuẩn đoán là tiêu chảy cấp và cho thuốc uống nhưng cháu vẫn không giảm đi tiêu chảy. Từ khi bị tiêu chảy đến giờ cũng hơn 1 tháng rồi. Mong Bác sĩ tư vấn giúp gia đình em làm cách nào để cho bé hết bệnh!

Tư vấn

Chào bạn !
Trường hợp như bạn kể là cháu bị tiêu chảy kéo dài.
Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày) là đã bị tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy nếu xảy ra trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài. Khi đã xác định được trẻ bị tiêu chảy bạn cần áp dụng các biện pháp chung như sau:
Chế độ ăn cho trẻ khi bị tiêu chảy kéo dài: Giảm tạm thời số lượng sữa động vật hoặc đường lactose trong sữa, trong chế độ ăn. Cung cấp đầy đủ năng lượng, protein, vitamin và các yếu tố vi lượng để tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cải thiện tình trạng dinh dưỡng toàn thân. Không cho trẻ ăn các loại thức ăn nước uống làm tăng thêm tiêu chảy: thức ăn thô, thức ăn chứa nhiều đường, chất béo, các loại nước giải khát công nghiệp. Dùng các loại thức ăn như: gạo, khoai, chế biến dưới dạng mềm, lỏng dễ tiêu hoá như bột, cháo, súp. Chọn các loại thực phẩm giàu chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa… Uống và ăn thêm quả tươi để cung cấp các vitamin và muối khoáng. Ngoài ra, Cho trẻ tiếp tục ăn và uống thêm Oresol, phát hiện sớm dấu hiệu mất nước, bỏ các tập quán sai lầm như: cho trẻ nhịn ăn khi bị tiêu chảy, kiêng không cho trẻ ăn các thức ăn giàu năng lượng, bổ dưỡng vì sợ trẻ ăn không tiêu… Không được sử dụng những loại thuốc như: thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giảm nhu động ruột, thuốc hấp thụ nước, thuốc chống nôn, không sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của Bác sĩ.
Vì con bạn mới 7 tháng tuổi nên cho chế độ ăn như sau: tiếp tục bú mẹ. Pha sữa động vật bằng nước cháo làm giảm 5% nồng độ đường lactose hoặc cho trẻ ăn sữa chua, sữa đậu tương.Đảm bảo thức ăn bổ sung: bột, cháo xay nấu với thịt, cá, trứng rau xanh và dầu mỡ. Khi chế biến đảm bảo độ nhớt giảm,. dễ tiêu hoá, cân đối đạm, mỡ, đường tránh tăng áp lực thẩm thấu. Cho ăn nhiều bữa trong ngày: ít nhất 6 bữa.
Chúc cháu mau khỏi