THẮC MẮC

Bé bị phình đại tràng bẩm sinh có cần mổ không?

Dạ bác sĩ cho em hỏi bé nhà em táo bón liên tục thường xuyên phải thụt hậu môn. Hiện nay bé được 1 tháng 13 ngày. Đi khám các bác sĩ bệnh viện nhi tw chuẩn đoán cháu bị phình đại tràng bẩm sinh phải tiến hành mổ. Nhưng khi em cho cháu về nhà tuyến tỉnh thì các bác sĩ bảo không cần mổ vì cháu còn quá nhỏ. Sẽ có nhiều biến chứng phải mổ nhiều lần. Và bảo gđ về cứ dừng tăm bông ngoáy cho cháu tự đi ngoài được thì không vấn đề gì sau lớn đoạn đại tràng hẹp đó sẽ tự dãn ra và đi ngoài bt. Em muốn hỏi vậy bé nhà em coa cần mổ không ah. Và sau mổ thường có biến chứng gì? Liệu không mổ sau lớn cháu có thể tự đi ngoài được không. Gđ em rất phân vân và lo lắng. Rất mong sự tv của bác sĩ.

Tư vấn

Chào bạn!
Phình đại tràng bẩm sinh (PĐTBS) còn có các tên gọi khác như bệnh Hirschsprung, bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh. Bệnh PĐTBS là dị tật tắc ruột hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.Do không có nhu động ở đoạn ruột cuối nên phân bị ứ đọng lại ở đoạn ruột trên làm cho đoạn ruột phía trên bị giãn dần. Thành ruột phía trên tăng cường nhu động để cố gắng vượt qua cản trở ở phía dưới nên cơ thành ruột bị phì đại. Phân bị tích tụ ở phía trên lâu ngày làm cho trẻ bị “ngộ độc phân”, suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất. Các biến chứng như vỡ đại tràng, viêm ruột có thể xảy ra do ứ đọng phân và ruột bị giãn nặng. Bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái, với tỷ lệ nam/nữ từ 4/1 – 9/1. Bệnh cần được phát hiện sớm để chăm sóc, theo dõi và điều trị kịp thời. Các bậc cha mẹ có thể phát hiện bệnh ở trẻ sơ sinh khi thấy trẻ chậm đại tiện phân su (sau đẻ trên 24 giờ mới đại tiện phân su). 80%-90% các trường hợp, bệnh nhân có các biểu hiện ngay ở thời kỳ sơ sinh. Một số trẻ có thể có các biến chứng nặng như thủng ruột hoặc viêm ruột nhiễm độc, nhiễm trùng máu. Bệnh nhân bị tắc hoặc bán tắc ruột chiếm tới 60% các trường hợp bị PĐTBS. Sau khi chào đời, trẻ có biểu hiện trướng bụng tăng dần, bụng thường trướng đều, da căng bóng; nôn ra sữa rồi dịch mật, dịch ruột; tiêu chảy do viêm ruột… Với một số trẻ sơ sinh, các triệu chứng của bệnh bắt đầu từ tuần thứ 2 hoặc 3 sau đẻ. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm ruột, thủng đại tràng. Bệnh cũng có thể xuất hiện khi trẻ từ 2 – 24 tháng tuổi. Khi bú mẹ, trẻ đại tiện bình thường, phân hơi lỏng. Nhưng khi bắt đầu ăn sữa hộp, triệu chứng bệnh xuất hiện, trẻ bị táo bón kéo dài, trướng bụng, ăn uống kém, chậm lên cân, da xanh, suy dinh dưỡng. Nặng hơn trẻ bị viêm đại tràng do ứ đọng phân nhiều. Hầu hết các trường hợp mắc PĐTBS đều được chỉ định phẫu thuật để đạt hiệu quả tốt nhất. Hiện nay, các bác sĩ có chỉ định mổ cho trẻ từ 3 tháng tuổi. Những năm gần đây, nhờ chẩn đoán sớm được bệnh và theo dõi điều trị tốt bằng thụt tháo phân hàng ngày nên có thể mổ một lần để điều trị hiệu quả. Bé nhà bạn được chẩn đoán phình đại tràng bẩm sinh, bạn nên cho bé điều trị và quản lí bệnh tại bệnh viện nhi trung ương, đây là tuyến cao nhất có đầy đủ phương tiện để chẩn đoán và điều trị với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tránh chủ quan để tình trạng bệnh của bé diễn biến lâu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đã trình bày ở trên. Chúc cháu bé khỏe mạnh!