THẮC MẮC

Bé bị tiêu chảy kèm theo sốt cao

Cháu nhà em được 2 tuổi rồi. Bé nhà em đang bị tiêu chảy và ho, em có đưa bé đi khám thì Bác sĩ có nói là không phải lo và khi nào thấy cháu không chơi nhiều nữa thì mang ra bệnh viện huyện để khám. Xin bác sĩ tư vấn cho em. Em cảm ơn!

Tư vấn

Xin chào bạn
Theo thư bạn mô tả thì cháu bé bị tiêu chảy cấp.
Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện của bệnh là: đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/ngày, có thể kèm theo đau bụng, sốt, chán ăn, mệt mỏi, khát nước… Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cấp là bù nước và điện giải mà trẻ bị mất do tiêu chảy. Bạn cần biết đánh giá tình trạng của trẻ:
- Cho trẻ điều trị tại nhà nếu trẻ mất nước mức độ A, nghĩa là: mất nước nhẹ, trẻ tỉnh, khóc có nước mắt, không trũng, uống nước bình thường, lưỡi ướt. Cho trẻ uống nước và điện gải nhiều hơn bình thường, có thể dùng các dung dịch oresol
- Đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế khi:
+ Có dấu hiệu mất nước mức độ B: trẻ kích thích, khóc không có nước mắt, lưỡi khô, khát (uống háo hức).
+ Có dấu hiệu mất nước mức độ C: trẻ li bì, mệt lả, mắt rất trũng và khô, khóc không có nước mắt, uống kém hoặc không thể uống được.
Những điều lưu ý khi điều trị cho trẻ tiêu chảy tại nhà (mất nước mức độ A):
Cách pha chế oresol là dung dịch tốt nhất điều trị tiêu chảy . Một gói oresol hòa tan hoàn toàn với một lít nước đun sôi để nguội. Nếu để dung dịch quá 24 giờ thì cần đổ đi và pha dung dịch mới.
Cách cho uống:
- Trẻ dưới 2 tuổi cho uống ít một bằng thìa. Với trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ. Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2-3 phút.
- Sau 4 giờ đánh giá lại tình trạng mất nước: nếu có các dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị phục hồi nước và điện giải.
Dinh dưỡng cho trẻ: Cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nên bắt trẻ nhịn, kiêng khem. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài…
Tránh dùng các loại thực phẩm sau: Thực phẩm ít chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa như: măng, rau cần, ngô và đỗ nguyên hạt. Các loại nước có ga gây khó tiêu, đầy bụng.
Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn xử trí khi bé bị tiêu chảy cấp. Trường hợp bé đã uống thuốc mà vẫn không đỡ như vậy, em nên đua bé đi khám lại để bác sĩ giúp bạn tìm nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả hơn.
Ngoài ra như bạn kể cháu bé còn bị ho:
Ho là triệu chứng rất thường gặp của các bệnh đường hô hấp ở trẻ em cũng như người lớn. Ho là động tác thở hắt mạnh, bật phát qua thanh môn đóng kín một cách cưỡng bức, làm thanh môn đột ngột mở ra, tống không khí cùng với những chất không mong muốn ra ngoài khí quản. Đó là một cơ chế sinh lý bảo vệ cơ thể, nhưng cũng là triệu chứng của một số bệnh.
Các nguyên nhân gây ho phần lớn trường hợp ho do viêm nhiễm đường hô hấp như viêm họng, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi...
Ho là một phản xạ của cơ thể để tống các vật lạ trong đường hô hấp ra ngoài. Đó có thể coi là một phản xạ có lợi bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi phản xạ này lại gây phiền toái cho trẻ trong sinh hoạt, trong giấc ngủ và khi ăn uống. Đó là điều khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng và đi tìm mua thuốc ho cho trẻ.
Cẩn thận trọng khi dùng thuốc trị ho cho trẻ. Các mẹ không nên tự động cho trẻ uống kháng sinh. Nếu bệnh nhẹ, có thể cho trẻ dùng những loại thảo dược từ thiên nhiên như gừng, khuynh diệp, bạc hà để cắt cơn ho mà không có tác dụng phụ gây hại đến cơ thể trẻ. Một số trẻ không chịu được vị thuốc bắc, thì thay vào đó các loại sirô, kẹo ngậm được chiết xuất từ thảo dược với tác dụng tương đương.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện ho đột ngột kèm theo co thắt, khò khè hoặc thở rít, tím tái cần lập tức đưa trẻ đi khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt.
Chúc cháu mau khỏe