THẮC MẮC

Bé bị viêm phế quản co thắt cháu đã uống thuốc nhưng vẫn ho, về đêm ho nhiều

Chào bác sỹ hiện con em đươc 7 tháng tuổi nhưng cháu bị viêm phế quản co thắt cháu đã uống thuốc nhưng vẫn ho, về đêm ho nhiều. Liệu có chữa đươcj khỏi không ạ, phải kiêng ăn uống nhưng gì va co phải kiêng tắm không ạ

Tư vấn

 Chào bạn!
Viêm phế quản là viêm nhiễm đường hô hấp dưới ở cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi . Tuy nhiên khi viêm cuống phổi thì sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi.
Bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ dễ bị viêm phế quản là những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà; trẻ đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng. Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virut, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn . Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Viêm phế quản co thắt là một trong những dạng của viêm phế quản với biểu hiện ho kèm theo tiếng rít lúc thở vào, đôi khi lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít.
Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, làm thông thoáng đường thở để trẻ dễ thở hơn bằng các thuốc giãn phế quản + loãng và long đờm. Không nhất thiết là phải dùng kháng sinh và chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn.
Việc điều trị khỏi và không ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của cháu phụ thuộc nhiều vào việc chăm sóc và phòng bệnh tốt sau này. Điều trị viêm phế quản co thắt trẻ em đòi hỏi sự kiên nhẫn của người lớn vì thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Không tự ý ngưng thuốc mặc dù tình trạng trẻ có khỏe hơn.
Để phòng bệnh, về lâu dài sau này bạn cần chú ý:
- Không để trẻ bị lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay).
- Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA... cần điều trị kịp thời…Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng sức đề kháng.
Chúc bé mạnh khỏe!