THẮC MẮC

Bé bị viêm phổi chữa không khỏi

Chào bác sĩ, thưa bác sĩ, con của em năm nay được 1 tuổi, bị viêm phổi, nhiều lần chữa không khỏi vĩnh viễn được, kể cả uống thuốc và tiêm cũng không khỏi, có lúc cháu khỏi được 1 tuần thôi ạ. Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Tư vấn

Chào bạn!
Theo thông tin bạn cho biết thì con bạn bị viêm phổi và thường xuyên tái diễn. Tuy nhiên, có nhiều thể viêm phổi và tuỳ thuộc theo từng thể mà có tiên lượng khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm phổi là viêm nhu mô phổi bao gồm 4 thể lâm sàng: viêm phế quản phổi, viêm phổi thuỳ, viêm phế quản và áp xe phổi.
Về mức độ, viêm phổi được chia thành viêm phổi nặng, viêm phổi nhẹ. Còn theo cấu trúc giải phẫu thì chia thành: viêm phế quản phổi: đây là thể viêm phổi hay gặp nhất ở trẻ dưới 3 tuổi (trên 80%); viêm phổi thuỳ hoặc tiểu thuỳ: thường gặp ở trẻ trên 3 tuổi; viêm phổi kẽ: gặp ở mọi lứa tuổi; viêm phế quản đơn thuần: ít gặp ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gây viêm phổi rất đa dạng, thường gặp nhất là do vi rút, chiếm tới 80-85% các trường hợp viêm phổi ở trẻ em. Do vi khuẩn, nhóm trẻ từ 1-6 tuổi thường nhiễm phế cầu, Haemophilus influenzae týp b (Hib), tụ cầu, liên cầu nhóm A, ho gà, lao. Ngoài ra, có thể do hít sặc: thức ăn, dịch trào ngược, chất nôn, hóa chất,...
Như vậy, trường hợp con bạn, muốn điều trị khỏi viêm phổi cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, ngay cả khi cháu đã điều trị khỏi bệnh, nếu không được giữ gìn sức khoẻ tốt thì cháu có thể sẽ lại bị viêm phổi đợt khác. Tóm lại, điều quan tâm với bạn bây giờ là điều trị dứt điểm đợt bệnh bằng việc đưa cháu tới khám tại cơ sở y tế chuyên khoa nhi và lưu ý tới phòng bệnh để tránh tái phát, bao gồm:
- Tăng cường cho bé ăn, bú, không nên ăn kiêng. Đảm bảo bé ăn đủ chất, khi đang bị bệnh vẫn phải cho bú đều.
- Cho bé uống nhiều nước hoặc tăng cường bú mẹ. Điều này quan trọng vì trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm và giảm ho.
- Ngay sau khi bé khỏi bệnh cũng vẫn tăng cường dinh dưỡng giúp bé mau hồi phục sức khoẻ.
- Khi có biểu hiện viêm phổi trở lại thì đưa bé đến cơ sở y tế khám kịp thời, đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu thở nhanh (thở >40 lần/phút), hoặc có dấu hiệu co rút lồng ngực,…
- Ngoài ra, cần tiêm chủng đầy đủ cho bé (cúm, thủy đậu, phế cầu,…), đảm bảo môi trường sống trong lành, không bụi khói độc hại, ô nhiễm,… Cố gắng tránh cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.
Chúc con bạn mau khỏi bệnh.