THẮC MẮC

Bé biếng ăn, tôi phải làm gì?

Xin hỏi Bác sĩ sao bé nhà tôi biếng ăn, nay bé ốm nhìn mặt xanh xao. Tôi phải làm gì ạ? Mong Bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Tư vấn

Chào em!
Bé bị ốm, xanh xao em nên cho con đi khám tổng thể để tìm nguyên nhân gây bệnh và điều bệnh kịp thời. Biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân gây nên:
1. Biếng ăn do tâm lý: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Các tình huống thường gặp trong thực tế:
- Bị ép bú bình trong khi chỉ thích bú mẹ.
- Mẹ đi làm để trẻ cho người khác chăm sóc.
- Bị ép phải mang khăn ăn, phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn.
- Bị quy định phải ăn hết khẩu phần của mình trong một thời gian cố định.
- Không khí bữa ăn căng thẳng.
- Cha mẹ cho thuốc vào thức ăn, vào sữa.
2. Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn và thời gian chuyển tiếp chế độ ăn.
- Những sai lầm trong chế biến thức ăn cho trẻ:
+ Cho bé ăn không thay đổi, ăn một món kéo dài gây cảm giác ngán.
+ Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không cho ăn xác, lâu ngày dẫn đến tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng.
+ Cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn đến lúc 2, 3 tuổi.
+ Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc, pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm đậu, hầm xương... làm trẻ khó tiêu hóa.
+ Pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm.
- Thời gian chuyển tiếp chế độ ăn không phù hợp:
+ Ăn dặm quá sớm (trước khi trẻ tròn 4 tháng).
+ Ăn cơm quá sớm (trong khi răng trẻ chưa đủ để nhai cơm).
3. Biếng ăn do bệnh lý:
- Suy dinh dưỡng.
- Nhiễm ký sinh trùng; nhiễm trùng (viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan...) và virus.
- Bệnh lý răng miệng (sâu răng, viêm lợi), loạn khuẩn đường ruột.
4. Biếng ăn sinh lý: Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với lúc bé biết lẫy, ngồi, đứng, đi... Sau đó, trẻ trở lại ăn uống bình thường.
5. Biếng ăn do thuốc: Do dùng quá nhiều vitamin, kháng sinh hoặc “thuốc kích thích ăn’’. Việc lạm dụng kháng sinh có thể gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, còn thuốc kích thích ăn sẽ làm cho trẻ biếng ăn thêm ngay sau khi ngừng thuốc (thuốc này chống chỉ định ở trẻ dưới 2 tuổi).
6. Biếng ăn do cha mẹ quá lo lắng về sự lên cân của con. Khi thấy con ăn ít hơn các trẻ cùng lứa tuổi, nhiều người nghĩ rằng con biếng ăn mặc dù trẻ vẫn tăng cân và tăng chiều cao tốt.
7. Biếng ăn bẩm sinh:
Em có thể áp dụng một số biện pháp sau để cải thiện tình hình biếng ăn của bé:
- Em hãy bình tĩnh, cần để bé ăn một cách thoải mái, không ép buộc bé…
- Không cho bé ăn thức ăn đơn điệu, nên đổi món thường xuyên cho bé.
- Hãy kiên nhẫn cho bé ăn từng bữa nhỏ, thay đổi các món ăn lạ…
- Trong các trường hợp bé biếng ăn do bệnh lý cần đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi điều trị các bệnh lý.
- Em nên tẩy giun cho bé 6 tháng/lần (đối với bé trên 2 tuổi), giữ gìn vệ sinh răng miệng…
- Muốn bé ăn ngon miệng, nên đáp ứng 3 nhu cầu chính yếu: ăn, ngủ, vận động, bổ sung cho nhau chứ không thay thế nhau. Cần cho bé vui chơi, vận động ngoài trời ít nhất 30 phút mỗi ngày, bé sẽ có cảm giác đói và ngủ tốt hơn.
Chúc gia đình em sức khỏe!