THẮC MẮC

Bé dùng kháng sinh nên bé nhà em bị rối loạn tiêu hóa

Thưa bác sỹ, bé gái nhà em được 17 tháng tuổi, trong thời gian gần đây thời tiết thay đổi liên tục, bé nhà em bị viêm phổi, trong quá trình điều trị viêm phổi do bé dùng kháng sinh nên bé nhà em bị rối loạn tiêu hóa (do bác sỹ khám chuẩn đoán), ngày bé đi ngoài 06 lần hoặc nhiều hơn, phân có dịch nhầy, ăn gì là nôn ấy, uống thuốc vào là bé cũng nôn, bác sỹ có cho uống thuốc nhưng bé nhà em cứ nôn vậy nên em lo lắm, tối ngủ em cho bé bú sữa bụng bé cứ cuộn lên, bụng bé chướng và đầy hơi và bé cũng bị nôn trớ, em đang rất lo lắng và muốn được nhận sự tư vấn của các bác sỹ, để con em mau khỏi bệnh. Em xin chân thành cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Thông thường, ở đường ruột của mỗi người đều có một số lượng lớn vi khuẩn tồn tại và đóng vai trò như một hệ thống bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh, tăng sức đề kháng của đường ruột và cơ thể. Khi cho bé uống nhiều kháng sinh, các thành phần trong thuốc không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, mà còn vô tình giết chết cả những vi khuẩn có lợi này. Khi đó, những vi khuẩn gây hại bình thường có rất ít hoặc không có trong đường ruột sẽ sinh sôi, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột và gây ra bệnh tiêu chảy.
Bạn có thể phối hợp cho bé dùng thêm men vi sinh khi dùng kháng sinh để giúp hạn chế các tác dụng phụ của kháng sinh như tiêu chảy, đầy hơi, biếng ăn... Bạn nên cho bé ăn ít một để tránh cho bé bị nôn. Nếu bé bị nôn và tiêu chảy nhiều bạn cần bù nước, bù điện giải cho bé, tốt nhất là bằng nước oresol. Cần lưu ý là pha vào nước theo quy định, không pha loãng hay đặc quá vì nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn. Bạn có thể pha cả gói, thể tích nước phải đong thật chính xác đến từng ml. Bạn nên đút từng thìa oserol một cho bé, 2 phút một lần, không nên cho bé tu hoặc uống liên tục. Uống nhiều và liên tục, oserol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn.
Nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì bạn cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.
Chúc bạn và cháu khỏe mạnh!