THẮC MẮC

Bé thường xuyên thụt hậu môn để đi ngoài liệu có ảnh hưởng?

Thưa bác sĩ, bé nhà em được 2 tháng rưỡi (bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ) nhưng việc đi ngoài của bé rât khó khăn, bé muốn đi mà không đi được (biểu hiện là bé cũng rặn nhưng không có phân). Gia đình em cứ 2-3 hôm lại phải thụt cho bé. Gia đình em đã làm hết các biện pháp như: massage, dùng tăm bông có mật ong nhưng em thấy không có hiệu quả. Bác sĩ cho em hỏi việc thụt cho bé có ảnh hưởng gì không? Vì em hỏi nhà thuốc họ nói không ảnh hưởng. Làm thế nào để trẻ đi tiêu bình thường? Mẹ cần ăn gì để con không bị táo bón nữa? Vì em ăn rất nhiều rau, mỗi bữa tầm 9h sáng em ăn 1 bát rau, 3h chiều thêm 1 bát rau bổ sung hoặc 1 củ khoai. Mong bác sĩ sớm hồi âm vì em sốt ruột quá đây là bé đầu nhà em. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn.
Bạn cần phân biệt hai hiện tượng: Chậm bài tiết phân và hiện tượng táo bón ở trẻ em.
Một là: Hiện tượng táo bón là phân bị vón lại thành hòn như quả táo, hòn bi, nếu đổ nước vào hàng 10-15 phút phân mới tan rã. Đây là dấu hiệu bệnh lý, ở trẻ nhỏ phần lớn là phình đại tràng bẩm sinh, nếu bé bị như vậy cần cho đi khám, và có thể phải phẫu thuật thì mới hết táo phân.
Hai là: Hiện tượng chậm bài tiết phân, 4 -5 ngày trẻ mới có dấu hiệu đòi bài tiết phân và khó đi trẻ phải rặn hoặc phải thụt bằng dầu bôi trơn, nhưng phân vẫn thành khuôn, đầu phân hơi khô và to đuôi nhỏ thuôn lại, liên tục cuối với đầu phân thành một khối, không có hiện tượng phân vón lại thành cục. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường do trẻ bú sữa, tiêu hóa tốt, ít cặn bã nên lượng phân ở đại tràng ít, không đủ kích thích gây bài tiết phân, đồng thời phân nằm ở đó lâu bị hút bớt nước nên khô lại ở đầu phân làm trẻ khó đi ỉa. Hiện tượng này sẽ hết khi trẻ lớn lên, ăn dặm, lượng cặn bã nhiều trẻ sẽ đi ỉa bình thường, những trẻ có biểu hiện như vậy thường khỏe mạnh, bạn an tâm. Thông thường khoảng 4-5 ngày bạn nên thụt cho bé 1 lần, việc thụt này không ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ.
Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.