THẮC MẮC

Bệnh nhân viêm dạ dày cấp tính luôn thấy đầy bụng, đi lại đau phải làm sao?

Chào Bác sĩ! Cháu năm nay 12 tuổi, là nữ giới. Dạo này cháu thấy đau bụng. Cháu đi khám thì Bác sĩ chỉ siêu âm ổ bụng rồi kết luận là bị viêm dạ dày cấp tính sau đó kê đơn thuốc. Cháu uống thì đỡ đau rất nhiều nhưng cháu luôn cảm giác thức ăn đầy ắp trong bụng không thải ra được. Bình thường ngồi thì không đau mấy nhưng cháu cứ đứng lên là bụng phình to, cứng, cơn đau tái phát. Cháu khó đi ngoài nhưng khi đi ngoài xong rất dễ chịu. Dạo này, cháu còn bị đau nhức đủ chỗ, vai, đốt sống lưng, thắt lưng, tay và có khi cả hông nữa. Cháu còn cảm thấy khó thở. Cháu lo lắng quá không biết mình bị làm sao. Mong Bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ. Cháu muốn được tư vấn về cả hai vấn đề này nhưng chỉ được chọn một chủ đề nên cháu chọn chủ đề về tiêu hóa .

Tư vấn

Chào cháu!
Đau bụng là một triệu chứng thường gặp của các bệnh lý đường tiêu hóa. Đau bụng có thể là triệu chứng của một bệnh lý thực thể như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, viêm mật, tụy, tắc ruột …nhưng cũng có khi chỉ là một biểu hiện rối loạn sinh lý do rối loạn co thắt cơ dạ dày-ruột. Trường hợp của cháu đi khám Bác sĩ được kết luận là bị viêm dạ dày cấp tính, đã uống thuốc và đỡ đau nhiều nhưng luôn có cảm giác thức ăn đầy ắp trong bụng không thải ra được. Bình thường ngồi thì không đau mấy nhưng cứ đứng lên là bụng phình to, cứng, cơn đau tái phát. Cháu khó đi ngoài nhưng khi đi ngoài xong rất dễ chịu. Như vậy ngoài bệnh viêm dạ dày cấp, có thể cháu còn mắc hội chứng ruột kích thích. Đây là tình trạng rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột. Biểu hiện chính thường gặp của bệnh là:
+ đau quặn từng cơn quanh rốn hoặc khó chịu vùng bụng
+ Giảm đau hoặc chướng bụng sau khi đại tiện.
+ Thay đổi hình dạng khuôn phân, có thể đi phân lỏng hoặc phân cứng
+ Thay đổi số lần đi đại tiện.
Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định. Có thể do thực phẩm, căng thẳng, kích thích tố (thay đổi nội tiết ở người phụ nữ, nhiều phụ nữ thấy rằng các dấu hiệu và triệu chứng tồi tệ hơn trong hoặc xung quanh thời kỳ kinh nguyệt).
Cháu có thể kiểm soát được bệnh bằng lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý. Cụ thể là:
-Bổ sung chất xơ hợp lý: chất xơ có trong ngũ cốc, trái cây, rau, đậu …giúp giảm táo bón, nhưng cũng có thể làm cho hơi và đau bụng nặng hơn. Tốt nhất là bạn nên tăng dần lượng chất xơ trong chế độ ăn uống và nên kèm theo uống nhiều nước để giảm thiểu khí gây đầy hơi, táo bón
-Không bỏ bữa và cố gắng ăn trong cùng khoảng thời gian mỗi ngày để giúp điều chỉnh chức năng ruột.
-Cẩn thận với các sản phẩm sữa: Nếu không dung nạp lactose, thử thay thế sữa chua cho sữa.
-Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp làm giảm trầm cảm và căng thẳng, kích thích các cơn co thắt bình thường của ruột và có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Chúc cháu mạnh khỏe!