THẮC MẮC

Bệnh tá tràng chữa thế nào?

Xin Bác sĩ tư vấn cho tôi nguyên nhân dẫn đến bệnh tá tràng là gì và uống thuốc thế nào cho khỏe?

Tư vấn

Chào bạn!
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh khá phổ biến, thường gặp trong các bệnh đường tiêu hóa. Tá tràng (còn gọi là Hành tá tràng) là phần chuyển tiếp giữa dạ dày với hỗng tràng (ruột non). Lỗ môn vị là nơi tiếp nối giữa môn vị dạ dày với tá tràng, phía sau tá tràng là ruột non. Nhiều trường hợp loét tá tràng mạn tính làm co kéo lỗ môn vị gây nên bệnh Hẹp môn vị. Nguyên nhân viêm loét tá tràng về cơ bản cũng giống như viêm loét dạ dày. Có nhiều giả thuyết khác nhau đề cập đến nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng nhưng có 3 nhóm giả thuyết được nhiều nhà khoa học thừa nhận:
- Thuyết vỏ não nội tạng: Do căng thẳng thần kinh, do các yếu tố của đời sống xã hội gây nên tình trạng stress, kích thích trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận làm tăng sản xuất hormon, hậu quả làm kích thích các tế bào của dạ dày tăng sản xuất a xít, tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, tá tràng gây viêm loét niêm mạc dạ dày, tá tràng.
- Thuyết tăng cường các yếu tố tấn công, giảm các yếu tố bảo vệ: các yếu tố tấn công như bia, rượu, a xít dạ dày, các thức ăn có tính a xít như chanh, bưởi chua, cam chua, dưa, cà , đu đủ xanh...
- Do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori): Vi khuẩn HP được tìm thấy ở đa số những người có viêm loét dạ dày tá tràng thông qua nội soi và sinh thiết niêm mạc dạ dày, tá tràng. Ở người, HP có mặt ở niêm mạc vùng hang vị, tuy nhiên HP có thể tồn tại ở niêm mạc vùng thực quản và tá tràng khi có dị sản niêm mạc dạ dày. HP được coi là yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày, vì vậy điều trị kháng sinh để tiêu diệt HP là hết sức cần thiết.
Có nhiều thuốc khác nhau trong điều trị bệnh viêm loét DD-TT và để điều trị hiệu quả các Bác sĩ thường sử dụng phác đồ phối hợp thuốc trong điều trị sau khi đã thăm khám kỹ người bệnh. Các nhóm thuốc thường được sử dụng trong Tây y bao gồm:
- Kháng sinh (Phối hợp Amoxicilline, Calarithromycine, và Tinidazol )
- Thuốc giảm tiết a xít (thường dùng nhóm ức chế bơm Proton: Omeprazol, Lanzoprazol, Pantoprazol...)
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày:Trymo, Gastropulgite, Pepsan..
- Thuốc trung hòa dịch vị: Maalox, Nabica..
- Thuốc an thần
- Thuốc bổ, nâng đỡ cơ thể.
Để điều trị bệnh hiệu quả, bạn cần đi khám và loại trừ các bệnh khác gây đau bụng mà không phải do đau dạ dày, làm một số xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của Bác sĩ và uống thuốc theo đơn, thực hiện theo lời dặn và tái khám theo hẹn của Bác sĩ. Chúc bạn sức khỏe, mau khỏi bệnh!