THẮC MẮC

Bệnh thalassemia có phải do di truyền?

Thưa bác sĩ, gia đình hai bên nội ngoại không có ai bị bệnh thalassemia. Vợ chồng tôi cũng béo khoẻ thế nhưng lại sinh ra hai đứa con bị bệnh và đang điều trị ở trung tâm truyền máu huyết học ở TP.HCM. Tôi xin hỏi bác sĩ nguyên nhân bệnh là do đâu và tại tôi hay chồng. Nếu chúng tôi sinh con nữa thì liệu có bị bệnh hay không?

Tư vấn

Chào bạn!
Trước tiên, xin chia sẻ với bạn về tình trạng bệnh của hai cháu. Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Khi thiếu hụt một trong hai chuỗi globin alpha và hai chuỗi globin beta của huyết sắc tố sẽ làm thay đổi đặc tính của hồng cầu khiến hồng cầu dễ vỡ. Quá trình tan máu hay vỡ hồng cầu diễn ra liên tục trong suốt cuộc đời người bệnh, gây ra tình trạng thiếu máu mạn tính và ứ đọng sắt trong cơ thể.
Việt Nam hiện có 5 triệu người mang gien bệnh Thalassemia. Bệnh Thalassemia là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, có thể di truyền từ bố mẹ sang con, vì thế người con có thể hưởng một hoặc nhiều gen bị tổn thương từ bố mẹ. Trường hợp vợ chồng bạn tuy khỏe mạnh bình thường, nhưng cùng mang gen lặn, nên không biểu hiện gì, nhưng khi sinh con ra có các tình huống sau: 25% con sinh ra bình thường, 50% con sinh ra mang gen lặn và 25% con sinh ra mắc bệnh Thalassemia.
Bệnh Thalassemia có nhiều thể bệnh:
- Thể nhẹ: chỉ mang gen bệnh, không có triệu chứng lâm sàng bình thường hoặc chỉ thiếu máu nhẹ. Thể bệnh này không cần điều trị.
- Thể trung gian: người bệnh có chuỗi globin bị giảm, có triệu chứng lâm sàng thiếu máu nhẹ hay trung bình. Trẻ sinh ra vẫn bình thường, dấu hiệu thiếu máu thường xuất hiện từ 3-6 tuổi. Nếu trẻ có dấu hiệu thiếu máu nặng hoặc huyết sắc tố giảm thì cho truyền khối hồng cầu.
- Thể nặng: người bệnh bị thiếu máu nặng và sớm từ 5-6 tháng tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhân sẽ bị thiếu máu trầm trọng, vàng da, gan lách to. Bệnh nhân có vẻ mặt đặc biệt là xương trán, xương chẩm dồ ra, xương hàm trên nhô, mũi tẹt. Ngoài ra trẻ dễ bị chậm phát triển thể chất, vận động và tâm thần. Bệnh nhân cần được truyền máu thường xuyên để duy trì cuộc sống, tránh cho tim không bị suy, tuỷ xương không hoạt động quá mức. Sau khi truyền khoảng 20 đơn vị máu thì bệnh nhân phải được điều trị thải sắt bằng thuốc tiêm hoặc uống. Nếu trẻ điều trị truyền máu và thải sắt đúng chỉ định thì sẽ phát triển được cân nặng, chiều cao và hoạt động bình thường. Hiện tại ở Việt Nam cũng đã áp dụng ghép tế bào gốc để chữa trị cho trẻ mắc bệnh này, tuy nhiên, chi phí điều trị cao và khó tìm được người cho tế bào gốc phù hợp.
Trường hợp bạn muốn sinh thêm cháu, hai vợ chồng bạn cần đi khám, xét nghiệm di truyền và cần được tư vấn trước sinh kỹ lưỡng, khi đã có thai cần tiến hành sàng lọc trước sinh khi thai trước 12-18 tuần tuổi tại các cơ sở y tế chuyên khoa để phòng tránh căn bệnh này cho con.
Chúc bạn sức khỏe!