THẮC MẮC

Bệnh viêm loét dạ dày điều trị thế nào?

Thưa Bác sĩ! Tôi 49 tuổi bị viêm loét dạ dày. Vậy tôi cần điều trị và chăm sóc thế nào? Mong Bác sĩ giúp tôi.

Tư vấn

Chào bác,
Bác chỉ nói là bị viêm loét dạ dày, bác không nói là bác bị bệnh đã lâu chưa, bác đã đi khám chưa? Các Bác sĩ đã điều trị cho bác chưa? Bác đã dùng thuốc gì, đông y hay tây y hay bác phối hợp cả hai. Theo tôi, bác nên đi khám các Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có uy tín để được điều trị theo đúng phác đồ, và được tư vấn về chế độ ăn của người bị viêm loét dạ dày. Bác nên biết, bệnh viêm loét dạ dày rất hay bị tái phát, việc điều trị đòi hỏi bác phải tuân thủ và phối hợp với Bác sĩ, ngoài ra còn kết hợp với chế độ ăn và chế độ sinh hoạt điều độ, hợp lý, tránh stress, tái khám sau mỗi đợt điều trị. Bác có thể tham khảo bệnh viêm loét dạ dày và chế độ chăm sóc người bị viêm loét dạ dày dưới đây:
Bệnh viêm loét dạ dày có rất nhiều nguyên nhân, nguyên nhân thường gặp là: trong dạ dày nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), virus, nấm, sử dụng các loại thuốc có hại cho niêm mạc dạ dày như thuốc aspirin, các loại thuốc kháng viêm nonsteroid (Ibuprofen, Diclofenac...Chế độ ăn uống không điều độ như uống quá nhiều rượu, bia, ăn quá no hoặc thức ăn có nhiều gia vị (quá cay, quá chua,...), hút thuốc lá, do stress (lo lắng quá, bị áp lực trong cuộc sống...), sau một chấn thương nặng, sau một ca mổ lớn... trào ngược thường xuyên dịch mật từ tá tràng vào dạ dày gây viêm dạ dày.
* Điều trị loét dạ dày tá tràng chủ yếu là điều trị nội khoa.
- Chế độ ăn uống:
+ Trong đợt đau: tránh tăng tiết và tăng vận động trong ống tiêu hóa. Trong đợt đau nên ăn thức ăn lỏng (sữa, nước cháo) hoặc mềm (súp, cháo bột) dễ tiêu hóa.
+ Ngoài đợt đau, ăn uống bình thuờng. Nên kiêng rượu, cà phê, chè đặc, gia vị, không hút thuốc lá. Hạn chế các sang chấn về tinh thần và thể chất.
- Thuốc điều trị:
+ Các thuốc kháng acid như hydroxid alumin (biệt dược: Maalox, Alusi, Gelox). Tác dụng: làm giảm độ acid của dạ dày -tá tràng, làm mất hoạt tính của pepsin. Uống khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn, ngày uống 2-3 lần. Liều lượng tùy theo loại thuốc và tùy thuộc bệnh nhân.
+ Các thuốc kháng tiết: là những thuốc làm giảm tiết acid dịch vị, gồm: các thuốc kháng tiết cholin như belladon, atropin v.v.
Tác dụng: ức chế việc bài tiết acid chlohydric trong dạ dày. Thường uống khoảng 30 phút trước khi ăn. Các thuốc kháng thụ thể H2: các thụ thể H2 của histamin được tìm thấy trong các tế bào thành của niêm mạc dạ dày và trong một số tổ chức khác. Các thuốc kháng thụ thể H2 ức chế rất mạnh việc bài tiết acid trong dạ dày. Một số thuốc thường dùng: cimetidin (thế hệ 1): liều 800mg/ngày, dùng trong 4-6 tuần lễ. Uống vào bữa ăn và trước khi đi ngủ. Biệt dược:tTagamet, cimet, cementin...
ranitidin (thế hệ 2): liều dùng 150mg/ngày uống khoảng 4 tuần lễ. Uống vào bữa ăn và trước khi đi ngủ. Biệt dược: zantac, azantac,...Famotidin (thế hệ 3): liều 1 viên 40mg, uống buổi tối trước khi đi ngủ vì tác dụng mạnh và kéo dài hơn ranitidin. Biệt dược: pepcidine, pepcid, pepdine...nizacid (thế hệ 4): liều 1 viên 300mg uống một lần vào buổi tối. Biệt dược: nizatidine. Các thuốc kháng bơm proton: omeprazol. Tác dụng: ức chế bơm proton. Liều 20mg uống 1 lần vào buổi tối, khoảng 4 tuần đối với loét tá tràng và khoảng 6 tuần đối với loét dạ dày. Biệt dược: lomac, omez, losec,...Thuốc diệt H.P: chủ yếu sử dụng các kháng sinh.Thường hay sử dụng nhóm beta lactamin (Penicilline, Ampicilline, Amoxilline...), nhóm Cycline (Tetracycline Doxycyline), Macrolid (Erythromycin, Clarithromycin...).
+ Xử trí chảy máu tiêu hóa: xác định nhanh chóng số lượng máu đã mất và tốc độ máu chảy. Bù đắp nhanh chóng lượng máu đã mất: truyền máu, truyền dịch. Cầm máu bằng nước lạnh.
Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật cắt bỏ vùng loét hay thắt các mạch máu, được chỉ định trong những trường hợp sau: chảy máu tiêu hóa tái phát nhiều lần, hoặc chảy máu nặng, điều trị nội khoa không kết quả. Nếu sau 24 giờ điều trị nội vẫn tiếp tục chảy máu, hay nếu đã phải dùng đến 5 đơn vị máu trong 24 giờ để duy trì khối lượng tuần hoàn. Thủng ổ loét, hẹp môn vị, loét ác tính. Loét đã được điều trị nội khoa đúng phương pháp trong nhiều năm mà không có kết quả vẫn đau bụng nhiều. Một số Bác sĩ đề nghị nếu loét dạ dày tá tràng gây chảy máu 3 lần thì tiến hành phẫu thuật. Những yếu tố khác quyết định chỉ định phẫu thuật: bệnh nhân trên 60 tuổi, chảy máu ồ ạt thì nguy cơ tử vong gấp 3 lần. Bệnh nhân có tiền sử loét tá tràng mãn tính.
* Chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh suy nghĩ căng thẳng.
- Chế độ ăn uống:
+ Trong đợt đau nên cho bệnh nhân ăn những thức ăn mềm, lỏng (cháo, sữa, súp...). Ngoài đợt đau ăn uống bình thuờng.
Nên ăn nhẹ, từng ít một và nhai kỹ, không nên ăn quá nhiều và quá nhanh. Kiêng rượu, cà phê, chè đặc, thuốc lá và các loại gia vị hoặc các chất dễ kích thích có ảnh hưởng đến dạ dày tá tràng.
Có thể thực hiện chế độ ăn theo yêu cầu của Bác sĩ để trung hòa acid dạ dày. Khuyên bệnh nhân uống nhiều nước, không nên ăn những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Chế độ nghỉ ngơi: có chế độ nghỉ ngơi và làm việc thích hợp.
Hướng dẫn bệnh nhân cách tiết kiệm năng lượng: đau nhiều thì nghỉ, khi đỡ đau thì đi lại nhẹ nhàng. Nếu bệnh nhân mất ngủ có thể dùng thuốc ngủ. Tránh cho bệnh nhân những suy nghĩ lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chúc sức khỏe!