THẮC MẮC

Bị dạ dày và hay ợ hơi ở tuổi 19 phải chữa thế nào?

Chào Bác sĩ! Cháu 19 tuổi nhưng đã có dấu hiệu đau dạ dày từ 2 năm trước nhưng chỉ bị 1 lần rồi khỏi. Đến khi cháu học lớp 12 thì tái phát và đau nhiều lần. Bây giờ cháu đi làm với đặc thù công việc phải đứng và làm việc 12 tiếng đồng hồ (cả hai tiếng đi ăn) mà ăn nhanh như vậy thi khi đứng nguyên một chỗ và làm việc thì thường xuyên bị ợ chua nóng ran cả vùng ngực bên trái. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì và cách điều trị thế nào? Cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Như triệu chứng bạn mô tả, rất có khả năng bạn bị viêm loét dạ dày. Biểu hiện của bệnh thường là:
- Đau và có cảm giác nóng vùng thượng vị và sau xương ức . Đau vùng trên rốn sau khi ăn khoảng 2 - 3 tiếng, hoặc khi đang đói mà ăn vào sẽ đau ngay, có khi cơn đau hành hạ bạn vào lúc nửa đêm. Cảm giác đau có thể khác nhau: đau âm ỉ, đau bỏng rát, đau tức bụng, đau quặn từng cơn, cơn đau nặng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, bạn có thể sẽ cảm thấy tức ngực, đau lưng...
- Nôn và buồn nôn: Nhằm tống khứ các chất chứa trong dạ dày, đôi khi người bệnh có cảm giác muốn nôn nhưng không nôn được nên cảm giác rất khó chịu.
- Ăn không tiêu, đầy bụng, ợ chua: vào buổi sáng hoặc sau khi ăn 2 - 3 tiếng.
- Cảm giác chán ăn và kén ăn: Không muốn ăn gì, nhìn thức ăn cảm thấy ngán.
- Thường có cảm giác cồn cào ở bụng, bụng sôi lên liên tục.
Một số nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là:
- Chế độ ăn uống vô độ: ăn không đúng bữa, thích lúc nào ăn lúc đó,… hoặc ăn phải một số thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc… cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
- Thuốc giảm đau: thuốc giảm đau có tên như ibuprofen và aspirin có thể gây phù niêm mạc dạ dày, nặng hơn có thể dẫn đến loét.
- Tâm lý: stress, trầm cảm, suy nghĩ nhiều gây ra đau đầu, mất ngủ thậm chí huyết áp cao và dễ gặp các rắc rối ở vùng bụng (dạ dày). Ngoài ra, cũng có thể do uống rượu, chè đặc, cà phê đặc.
Để khắc phục triệu chứng, bạn cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, từ 5 đến 6 bữa/ngày. Điều này giúp giảm thiểu cảm giác căng của dạ dày và giảm tiết a-xít của dạ dày. Lưu ý ăn uống đều đặn, không ăn quá no hoặc bụng quá đói để dạ dày luôn có thức ăn và trung hòa a-xít giúp giảm cơn đau. Nên ưu tiên nhóm thực phẩm tinh bột như cơm, bột mì, bột năng, bánh hoặc gạo nếp… Chúng có tác dụng giảm tiết dịch vị, dễ thẩm thấu qua niêm mạc dạ dày.
Uống thêm sữa, trứng để cung cấp nguồn chất đạm giúp trung hòa a-xít. Ngoài ra, lượng chất béo có trong nhóm thực phẩm này có tác dụng ức chế việc tiết dịch dạ dày, gia tăng thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày. Chế biến mềm, nhừ thức ăn đồng thời ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt áp lực cho dạ dày.
Ngoài ra khi ngủ bạn nên nằm đầu cao, giảm trọng lượng cơ thể, tránh lao động nặng, nên ăn nhẹ đặc biệt vào ban đêm, không hút thuốc lá, tránh các thức ăn kích thích và khó tiêu. Nếu không đỡ bạn cần đi khám để được điều trị bằng thuốc.
Chúc bạn mạnh khỏe!