THẮC MẮC

Bị đau họng kéo dài có phải do trào ngược dạ dày?

Thưa Bác sĩ! Em là nam, năm nay 28 tuổi. Em bị đau họng, uống rất nhiều thuốc viêm họng nhưng không khỏi. Đi khám thì Bác sĩ chẩn đoán là bị trào ngược dạ dày và viêm dạ dày. Em đã uống thuốc 1 thời gian nhưng vẫn bị đau họng. Công việc của em đòi hỏi phài giao tiếp nhiều nên thời gian đau họng này khiến em rất khó khăn. Không biết em phải làm như thế nào mới có thể hết bị đau họng như bây giờ? Dưới hàm phải em có 1 cái hạch khi ấn vào đó em thấy dễ chịu hơn, đó có phải là nguyên nhân không Bác sĩ? Bác sĩ tư vấn và chỉ cách chữa trị giúp e với ạ. Em trân trọng cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Bạn bị trào ngược dạ dày thực quản. Khi bị bệnh này lòng thực quản bị viêm, nhược cơ thắt làm cho miệng thực quản thường xuyên mở đặc biệt vào lúc ngủ đã đưa dịch thực quản dạ dày tự do trào ngược lên họng, lên cả mũi xoang, tai và tràn sang cả thanh khí quản vào phổi. Họng nằm ở giữa ngã ba đường ăn, đường thở vì vậy bệnh học của họng không thể tách rời bệnh học của mũi xoang và dạ dày thực quản. Tình trạng đau họng của bạn chính là hậu quả của bệnh trào ngược dạ dày. Dưới hàm của bạn nổi hạch, đó chính là phản ứng của cơ thể khi có viêm. Muốn khỏi được viêm họng này, bạn cần kiểm soát được các triệu chứng của trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày là bệnh đòi hỏi phải kiên trì điều trị. Có người uống thuốc vài tháng, có người đến hàng năm mới kiểm soát được bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc bạn cần thay đổi chế độ ăn và một vài thói quen không đúng trong lối sống. Cụ thể, không ăn quá nhiều, quá no, không thường xuyên ăn no và ăn trễ về đêm (sau 20 giờ), quá gần lúc đi ngủ (nên ăn 3 – 4 giờ trước khi đi ngủ). Tránh dùng những đồ uống có thể gây kích thích như nước chanh, cà phê, rượu bia, nước có gas. Tránh dùng những đồ ăn có thể làm giảm trương lực cơ thắt tâm vị như mỡ và những đồ ăn có chất mỡ, sôcôla hoặc kẹo bạc hà... đầu cao khi ngủ, không nên mặc đồ quá chật (đặc biệt ở vùng thắt lưng) khi đi ngủ.
Đối với bệnh viêm họng, ngoài uống thuốc bạn nên súc họng liên tục bằng nước muối loãng. Nước muối để ngậm cần có độ mặn tương đương với nước canh và ấm hơn thân nhiệt vài độ để gây giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn. Nên pha sẵn nước muối mặn đựng vào chai, khi súc họng thì pha thêm nước nóng để có độ mặn và độ nóng cần thiết.
Để hiệu quả, trước tiên bạn cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Sau đó súc họng khoảng 3 - 4 lần nữa với nước muối. 3 tiếng súc họng 1 lần, quan trọng nhất là trước và sau khi ngủ.
Chúc bạn mạnh khỏe!