THẮC MẮC

Bị nang giáp 6 tháng phải chữa thế nào?

Cháu ở Bắc Giang. Hiện cháu đang là sinh viên. Tháng 6 năm 2014 cháu thấy cổ mình có 1 cục sưng khá lớn. Cháu có đi siêu âm ở bệnh viện huyện và đc chuẩn đoán là bị u nang tuyến giáp thùy phải. Thời điểm đó u nang có kích thước là 19mm. 2 tuần sau đó cháu xuống bệnh viện nội tiết trung ương khám và kích thước khối nang phát triển lên 27mm. Cháu đc kê đơn thuốc và chọc hút 1 tháng 3 lần. Cháu duy trì chọc hút và uống thuốc đều trong 3 tháng đầu. Trong 3 tháng uống thuốc tóc cháu rụng nhiều, cháu không có cảm giác thèm ăn,cháu giảm 3kg. Sau đó cháu ngưng sử dụng thuốc và cháu bị dị ứng da khoảng 1 tuần rồi tự khỏi. Hiện tại thì 1 tháng cháu tới bệnh viện huyện để siêu âm 1 lần. Khối nang của cháu hiện tại là 20mm,bên trong xuất hiện nốt sần sùi. Bác sĩ siêu âm khuyên cháu lên đi bóc tách khối nang. Cháu vẫn chưa có điều kiện để xuống bệnh viện tuyến dưới để khám lại. Vậy cháu lên đây mong bác sĩ cho lời khuyên cũng như hướng điều trị tiếp theo? Nếu như cháu bóc tách có ảnh hưởng gì tới giọng nói không ạ?vi cháu học sư phạm. Khả năng cháu khỏi hẳn là bao nhiêu ạ? U nang tuyến giáp như cháu có ảnh hưởng gì về sau không ? Cháu rất mong câu trả lời sớm từ phía bác sĩ. Cháu cảm ơn !

Tư vấn

Chào bạn!
Khi các mô bình thường ở 1 vùng nhỏ nào đó trên tuyến giáp tăng phát triển sẽ tạo nên khối u. Những khối u này có chứa đầy chất lỏng gọi là u nang. Phần lớn các nang tuyến giáp không độc và không có bất kỳ triệu chứng nào, thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hoặc làm các xét nghiệm vùng cổ như siêu âm...
Tuy nhiên, nang tuyến giáp không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn nguy cơ ung thư. Nếu nang chỉ có dịch thì thường không phải là ung thư. Nhưng trong trường hợp có chứa thêm thành phần mô đặc thì tỷ lệ ung thư sẽ tăng cao hơn (tùy thuộc vào mức độ thành phần đặc trong nang). Khoảng 15% nang giáp có thể biến mất tự nhiên. Qua một thời gian, nang tuyến giáp có thể thu nhỏ kích thước. Nếu nó không lớn lên và gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nó có thể gây ra biến chứng là chảy máu trong nang và làm cho nang lớn lên đột ngột gây đau, nuốt khó; gây lo lắng, khó thở, gia tăng nhịp tim. Nếu điều này xảy ra phải điều trị ngay.
Khi được chẩn đoán là nang tuyến giáp, việc siêu âm tuyến giáp cho biết kích thước, hình dạng và thành phần trong nang, dựa vào đó bác sĩ sẽ quyết định phương thức điều trị.
Phẫu thuật không phải là chỉ định thường xuyên khi là nang tuyến giáp. Việc điều trị với chọc hút dịch đơn thuầnthì nang giáp có khuynh hướng tái phát; tỷ lệ tái phát là 10 - 80% phụ thuộc số lượng chọc hút và thể tích nang. Vì vậy, việc thực hiện chọc hút dịch tuyến giáp ra và bơm ethanol hoặc tetracycline vào nang để giảm nguy cơ tái phát là một phương pháp điều trị. Nếu nang giáp tái phát và bác sĩ nghi ngờ ung thư thì phẫu thuật được yêu cầu.
Bạn bị nang giáp đã được uống thuốc và chọc hút dịch nang. Hiện tại bệnh không khỏi mà có biểu hiện nhiều của tác dụng phụ do dùng thuốc. Bạn nên đi khám ở tuyến cao hơn như bệnh viện nội tiết. Các bác sĩ sẽ chọc hút và làm xét nghiệm cũng như khám xét cho bạn, tùy theo kết quả khám bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn xem có nên phẫu thuật hay không. Nếu kết quả chọc hút tế bào của bạn là lành tính thì bạn có thể yên tâm là mình không bị ung thư. Nếu phẫu thuật thành công thì bạn có thể khỏi hẳn.
Chúc bạn mạnh khỏe!