THẮC MẮC

Bị trĩ 10 năm nhưng búi trĩ không đút vào được là tại sao?

Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi năm nay 25 tuổi rồi mà từ nhỏ tôi ăn uống rất nhiều và điều độ vậy tại sao tôi ăn mãi tôi chả tăng cân mấy. Câm nặng nhất của tôi chỉ có được 52 53 kg mà tôi cao 1m68. Cho tôi hỏi thêm là tôi bị bệnh trĩ được 10 năm rồi mà mãi cho đến hôm vừa rồi tôi có đi khám thì Bác sĩ bảo tôi bị trĩ và búi trĩ của tôi không thụt vào được kể cả khi dùng tay ấn nó vào những chiếc quần sịp tôi mặc chỗ đững đều bị đổi màu và rất khó chịu. Khi ngồi lâu và bị thấm ướt qua quần dài xuống ghế. Tôi rất ngại khi mặc quần sáng màu chẳng tự tin. Mong Bác sĩ cho tôi 1 lời khuyên và cách điều trị để tôi được thoải mái ngồi và cũng như cách ăn mặc. Cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do sự phình dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Khi tĩnh mạch hậu môn hoạt động kém, máu đi đến đây sẽ không lưu thông được, ứ đọng làm cho tĩnh mạch bị dãn, phình ra. Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là khi các búi trĩ chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa. Trĩ ngoại là khi các búi trĩ sa hẳn ra ngoài, mạch bị tắc gây phù nề và nghẹt không tụt trở lại trong lòng hậu môn được nữa, kèm theo triệu chứng nứt hậu môn và rất đau mỗi khi đại tiện.
Trường hợp của bạn có thể là bị trĩ ngoại. Với bệnh này, tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh như chảy máu nhiều, viêm sưng hay đau rát ở búi trĩ có thể dùng thuốc uống hay loại thuốc bôi ngoài để chữa bệnh trĩ ngoại. Các loại thuốc uống để chữa trị bệnh trĩ ngoại có dạng viên nén hay viên nang. Chúng có tác dụng thẩm thấu vào bên trong, tác động lên thành tĩnh mạch, làm cho chúng chắc lại, tránh co thắt. Ngoài ra còn có tác dụng giảm sưng đau, phù nề, trong trường hợp búi trĩ chảy máu sẽ giúp cầm được máu, ngăn chặn viêm nhiễm.
Trong một số trường hợp khi bệnh trĩ đã ở giai đoạn cuối, trĩ đã bị viêm loét, nhiễm trùng cấp tính và có nguy cơ gây cho bệnh nhân nhiễm trùng máu trầm trọng thì các bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ búi trĩ. Phẫu thuật cắt trĩ có thể cắt bỏ từng búi trĩ, giữ lại phần lớp cơ bên trong rồi khâu lại vết thương đóng hay để hở. Có khi phần trĩ ngoại được để lại, dần dần sẽ teo lại hay biến mất sau khi uống thuốc. Trường hợp của bạn, cần đi khám để các bác sĩ tư vấn trực tiếp về mức độ bệnh và phương pháp điều trị cụ thể.
Còn để tăng cân, lời khuyên dành cho bạn là:
- Ăn uống hợp lý: Hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý bằng cách bổ sung thêm các loại thức ăn có chứa nhiều calo, đạm, chất béo (như các loại thịt, sữa không tách chất béo, bơ, pho mát) và thức ăn có chứa các loại cacbonhydrat (như tinh bột và đường) vào bữa ăn hàng ngày.
Chú ý nên ăn đúng giờ, đúng bữa. Hằng ngày có thể ăn vặt nhưng tốt nhất nên ăn trước bữa ăn khoảng 1 giờ, không ăn gần bữa ăn chính vì sẽ làm giảm cảm giác ngon miệng khi đến bữa.
Nếu thường xuyên phải thức khuya, hãy ăn thêm một bữa nhẹ. Hãy chọn các thức ăn mềm, dễ tiêu hoá và hấp thụ như: sữa, cháo và các loại hoa quả.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: Nên ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc.
- Tăng cường luyện tập:
Bạn nên chọn cho mình những phương pháp luyện tập nhẹ nhàng, tùy theo tình trạng sức khoẻ của mình như: đi bộ, cầu lông, các bài tập aerobic... Luyện tập đều đặn sẽ làm cơ thể sảng khoái, dễ chịu, tăng cường khả năng tiêu hoá của dạ dày cũng như cảm giác thèm ăn.
Chúc bạn mạnh khỏe !