THẮC MẮC

Bị viêm gan B từ nhỏ, giờ chữa trị thế nào?

Tôi bị bệnh viêm gan B từ nhỏ giờ tôi muốn chữa bệnh này thì dùng phương pháp nào hiệu quả. Xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn,
Bạn nói bạn bị viêm gan B từ nhỏ, vậy là từ khi bạn bao nhiêu tuổi, hiện tại bạn bao nhiêu tuổi? Khi nhỏ bạn được chẩn đoán viêm gan B hay là người lành mang virus viêm gan B? Nếu được chẩn đoán viêm gan B thì lúc đó bạn có được điều trị chưa?... Hiện tại bạn có biểu hiện hay triệu chứng gì mà lại muốn đi điều trị viêm gan?
Nếu trước đây bạn được chẩn đoán là người lành mang virus viêm gan B thì có nghĩa là khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, nhưng do bạn có sức khỏe tốt, sức đề kháng mạnh, nên không có dấu hiệu gì hoặc có thể chỉ thấy mệt mỏi, ăn kém, nước tiểu vàng đậm. Những người trưởng thành là người lành mang virus viêm gan B có thể lây nhiễm bệnh cho người khác qua quan hệ tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con. Trường hợp người lành mang virus viêm gan B thì không cần điều trị mà phải theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa virus hoạt động trong cơ thể gây tàn phá tế bào gan, dẫn tới xơ gan,… Tuy nhiên, đáng mừng là đến 90% số người bị nhiễm virus viêm gan B sau 6 tháng sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì. Nếu bạn bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ thì có lẽ đến hiện tại bạn đã bị viêm gan mạn tính (có thể không có biểu hiện lâm sàng), dễ dẫn tới xơ gan cổ trướng hoặc ung thư gan. Để xác định, bạn phải làm các xét nghiệm bổ sung cần thiết HBsAg, HBeAg, GSOT, SGPT, định lượng HBVDNA,…
Nếu khi nhỏ bạn bị viêm gan cấp tính thì chắc chắn khi đó bạn đã được điều trị. Tuy nhiên, sau khi điều trị xong bạn cần được theo dõi thường xuyên để có các biện pháp ngăn ngừa virus hoạt động.
Tốt nhất là bạn nên đến bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, định lượng virus,… sau đó bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho bạn. Bạn cần theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa virus hoạt động và các biến chứng. Ngoài ra, bạn tuyệt đối không nên uống rượu bia và đồ uống có cồn; không hút thuốc lá; ăn nhiều rau củ quả; hạn chế mỡ động vật và chất ngọt; không ăn gia vị kích thích như tiêu, ớt, gừng, tỏi, đinh hương,…; không ăn đồ nóng, cay, chua, mặn; không ăn các món được chế biến chiên xào, nướng, hun khói,…; tập luyện thể lực đều đặn; không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm sửa móng,…; không hiến máu; nếu quan hệ tình dục thì nên dùng bao cao su để phòng tránh lây truyền virus cho bạn tình; chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Chúc bạn khỏe!