THẮC MẮC

Biện pháp giúp ổn định nhịp tim khi tập thể dục và stress?

Chào bác sĩ, bác sĩ cho em hỏi khi tập thể dục em thấy nhịp tim tăng lên thì có sao không ạ, khi tập thể dục hằng ngày thì nhịp tim nhanh kéo dài có sao không ạ và nó có khác với nhịp tim nhanh kéo dài do stress không ạ, bác sĩ có thể cho em một vài biện pháp giúp ổn định nhịp tim không ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Khi tập thể dục, rõ ràng là chúng ta phải gắng sức dù ít hoặc nhiều, vì thế nhịp tim tăng lên để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể và nếu tập không đúng thì có thể nguy hiểm, thậm chí một số biến cố tim mạch có thể xuất hiện như cơn đau thắt ngực hoặc rối loạn nặng nhịp tim.
Tuy vậy, nguy cơ đó cực kỳ thấp, chỉ xấp xỉ gần là một lần xuất hiện nếu tập 400.000-800.000 giờ (hay tương đương với việc chỉ có một người bị bệnh trong số 400-800 nghìn người tập luyện, nếu tính trung bình một người tập 1 giờ). Đối với người đã có sẵn bệnh mạch vành, dù có cao hơn, song nguy cơ này cũng chỉ gần bằng một trong tổng số 62.000 giờ tập (hay 169 năm nếu người đó tập 1 giờ/ ngày). Những tỷ lệ quá thấp như vậy cho thấy độ an toàn cao của việc tập luyện ngay cả khi chúng ta có bệnh tim mạch.
Một điểm đáng lưu ý khác là nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch còn thấp hơn nữa ở những người thường xuyên luyện tập. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tập thể dục tương đối đều đặn (khoảng 5 lần một tuần), thì nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch nặng trong lúc tập đã giảm tới 50 lần so với những người lười vận động. Hơn thế nữa, nếu tính chung cho tất cả mọi người, thì tới 90% các biến cố tim mạch xảy ra khi nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang vận động.
Như vậy, tập thể dục đều có thể coi là rất, rất an toàn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để ý tới những biểu hiện bất thường khác với mọi ngày, nảy sinh trong hoặc sau khi luyện tập như cảm giác đau ngực (nặng tức hay ép trong ngực, lan lên cằm, cổ, vai hoặc lan xuống cánh tay), thở dốc khác thường, hoa mắt chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác hẫng, hồi hộp lạ thường.
Nếu phát hiện thấy có, chúng ta nên tới các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được khám và tư vấn về chế độ luyện tập phù hợp. Đồng thời các bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ luyện tập phù hợp cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh tim, bình phục sau khi đã nhồi máu cơ tim, suy tim.
Chúc bạn sức khỏe!