THẮC MẮC

Biểu hiện, cách chữa bệnh trĩ

Chào Bác sĩ! Cháu năm nay 18 tuổi, ngày trước cháu thường xuyên bị táo bón. Mấy ngày sau thì bị đi ngoài kèm theo máu và đau rát. Bác sĩ cho cháu hỏi là cháu có phải là bị bệnh trĩ không? nếu cháu bị mắc bệnh trĩ thật thì cháu có phải đi chữa trị ngay và bệnh này để lâu thì có nguy hiểm không ạ? Cảm ơn Bác sĩ

Tư vấn

Chào cháu,
Với các biểu hiện như cháu mô tả thì có khả năng đúng là cháu bị bệnh trĩ và nguyên nhân là do cháu thường xuyên táo bón trước đó.
Trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, với tỷ lệ 20-45% dân số và chủ yếu là nam giới. Nếu không biết phòng ngừa, chữa trị sớm và đúng cách, trĩ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Từ nhẹ đến nặng, bệnh trĩ có các biểu hiện như sau:
Chảy máu: Lúc đầu, máu chảy rất kín đáo, tình cờ, bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc có các tia máu dính vào phân. Về sau, mỗi khi đại tiện, người bệnh rặn nhiều do táo bón, máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa, cứ mỗi lần đại tiện, đi đứng nhiều hoặc ngồi xổm, máu lại chảy. Thậm chí, máu chảy rất nhiều khiến người bệnh phải cấp cứu. Đôi khi, máu từ búi trĩ chảy ra đông lại trong lòng trực tràng gây đại tiện ra máu cục.
Sa trĩ: Đây cũng là triệu chứng thường gặp. Tùy theo mức độ trĩ sa, mà bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu trĩ sa độ 1, 2 thì không gây phiền hà nhiều. Nếu trĩ sa độ 3, người bệnh rất khó chịu khi đại tiện, đi đứng nhiều, làm việc nặng. Nếu trĩ sa đến độ 4, người bệnh thường xuyên khó chịu.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ là do tư thế làm việc đứng quá lâu, rối loạn nhu động ruột (táo bón, ỉa chảy, mót rặn), bệnh có tính chất gia đình, có những bệnh phối hợp như tăng áp lực tĩnh mạch trĩ, bệnh đường sinh dục, tiết niệu, hoặc những thay đổi nội tiết theo chu kỳ sinh dục của phụ nữ như mang thai, sinh đẻ hoặc trước chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, những người có nguy cơ cao (thường xuyên tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh) phải chú ý đến các triệu chứng mới xuất hiện của bệnh để có biện pháp phòng và điều trị kịp thời. Bệnh trĩ càng nặng, thời gian điều trị lâu, càng có nhiều biến chứng, phương pháp điều trị phức tạp và dễ tái phát.
Bệnh trĩ là sự căng phồng của một hay các tĩnh mạch nằm trong hệ thống tĩnh mạch trĩ dưới hoặc tĩnh mạch trĩ trên hay cả hai là nguyên nhân gây nên bệnh trĩ ngoại, bệnh trĩ nội hay còn gọi là bệnh trĩ hỗn hợp. Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ trên (trực tràng trên) phồng to, búi trĩ sẽ được hình thành ở trên cơ thắt hậu môn, được gọi là bệnh trĩ nội. Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ ở dưới (trực tràng dưới) bị phồng to, bệnh trĩ được hình thành ở phía dưới cơ thắt hậu môn, được gọi là bệnh trĩ ngoại. Do có sự lưu thông trong hệ tĩnh mạch trĩ dưới và hệ tĩnh mạch trĩ trên, sự tăng áp lực ở xoang tĩnh mạch trĩ trên tất yếu sẽ dẫn đến sự tăng áp lực ở xoang tĩnh mạch trĩ dưới.
Như vậy cháu nên đi khám sớm để được xác định mức độ trĩ và được điều trị thích hợp. Tuy nhiên, trước tiên cháu nên áp dụng một số phương pháp tại nhà như hàng ngày uống một cốc nước vào buổi sáng, tập thói quen hàng ngày đều đặn đi đại tiện vào một giờ nhất định, tập thể dục vừa phải thường xuyên thư giãn cơ bụng (yoga) hoặc tập cho cơ bụng mạnh hơn, đi bộ, bơi lội.Nên ăn đủ chất xơ như trái cây, rau củ, uống nhiều nước; giảm dùng đồ cay nóng như rượu bia, cà phê, các thức ăn gây táo bón.
Bên cạnh đó để hỗ trợ điều trị cháu có thể sử dụng các loại sản phẩm từ thảo dược có các thành phần như diếp cá, đương quy, rutin, tinh chất nghệ để giúp lưu thông khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, trị táo bón, tăng sức bền thành mạch, co búi trĩ…
Còn việc điều trị trĩ hiện nay có 3 phương pháp chính để điều trị trĩ bao gồm phương pháp điều trị bảo tồn không xâm hại, phương pháp dùng dụng cụ và phương pháp phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp nào để điều trị bệnh trĩ nội được dựa trên mức độ bệnh của từng người bệnh.
Điều trị thẫu thuật trĩ là giải pháp cuối cùng được chỉ định trong trường hợp bệnh trầm trọng, bao gồm phẫu thuật trĩ Longo, khâu treo trĩ, khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler. Với các phương pháp này, bệnh nhân sẽ giảm được cảm giác bị đau khi phải phẫu thuật. Tuy nhiên chi phí cho phẫu thuật trĩ còn tương đối tốn kém.
Thân mến chào cháu.