THẮC MẮC

Buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi là bệnh gì?

Em lúc trước có bị bệnh HP đã điều trị khỏi nhưng em không được như trước kia. Em thường hay ợ hơi, buồn nôn, chán ăn, ăn thì mau no cũng mau đói. Từ khi có những triệu chứng đó em thấy cơ thể thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, đau nhức cơ thể và em bị sụt kí. Em xin hỏi bác sĩ nguyên nhân em bị như vậy. Em cảm ơn bác sĩ.

Tư vấn

Chào em!
Trước kia, em bị bệnh dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là HP) gây nên, em đã điều trị khỏi nhưng vẫn thường ợ hơi, buồn nôn, chán ăn… có thể bệnh dạ dày của em lại tái phát.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa: đường miệng - miệng, phân - miệng, do vi trùng HP theo dịch tiết dạ dày qua đường nước bọt, phân. Như vậy, vi khuẩn có thể lây theo đường ăn uống hoặc do từ phân phát tán ra môi trường xung quanh như: nước, đất. Từ đây, vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn, nước uống, con người ăn, uống phải thì mắc bệnh. Đây là hình thức lây bệnh gián tiếp. Bên cạnh hình thức lây gián tiếp còn có hình thức lây trực tiếp khi sử dụng ống mềm nội soi có mang vi khuẩn HP không được khử khuẩn cẩn thận trong nội soi dạ dày.
Mầm bệnh cũng có thể lây theo gia đình, nếu trong gia đình có người mắc bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng do vi khuẩn HP, vi khuẩn dễ lây từ người này sang người khác thông qua nước bọt từ đồ dùng vệ sinh cá nhân, dùng chung chén bát đũa muỗng và đường phân miệng do vi khuẩn theo phân lây sang người khác qua trung gian côn trùng như ruồi, gián… khi thức ăn không đậy kỹ. Do vậy rất dễ tái nhiễm.
Các bệnh lý về dạ dày thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hoá hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12, sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu, mệt mỏi và giảm cân. Chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axit folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê.
Em nên chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp làm giảm nguy cơ cho các bệnh lý về dạ dày:
- Ăn chậm nhai kỹ vì khi nhai sẽ tăng sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng làm giảm và bão hoà axít trong dạ dày.
- Chế độ ăn đúng giờ đúng bữa, không ăn quá khuya, ăn trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ.
- Không nhịn đói, Không ăn quá no một lúc mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa/ngày). Vì ăn quá no sẽ làm dạ dày căng, kích thích tiết nhiều axit. Việc ăn nhiều bữa sẽ giúp cho trong dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa axit.
- Các loại thực phẩm được nấu chín, khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát, nấu mềm sẽ làm giảm được kích thích bài tiết dịch vị và giúp vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng.
- Nồng độ thức ăn cũng ảnh hưởng tới tiêu hóa: nếu thức ăn đặc, khô quá thì các men tiêu hóa không thấm vào thức ăn để tiêu hóa hết được, ngược lại ăn thức ăn quá lỏng thì men tiêu hóa bị pha loãng và sự tiêu hóa sẽ kém đi, thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt nhất khi trong bữa ăn chỉ uống 100-200ml nước (canh hoặc nước khác).
- Nên ăn canh riêng sau khi đã ăn hết bát cơm, vì chan canh ăn lẫn với cơm, sẽ không nhai được kỹ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
- Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.
- Nên ăn thức ăn ngay sau khi nấu xong để thức ăn còn nóng, tốt nhất là 40-50 độ C. Ở nhiệt độ thích hợp này thức ăn dễ được tiêu hóa, hấp thu và không gây kích thích. Thức ăn nguội lạnh làm co bóp mạnh cơ dạ dày, thức ăn nóng quá làm cho niêm mạc dạ dày xung huyết và co bóp mạnh hơn.
- Không ăn các chất kích thích: chua, cay…
- Ngoài ra, cần giữ tinh thần luôn vui vẻ, gây dựng thói quen tốt trong sinh hoạt, không nên quá mệt mỏi và căng thẳng.
Em cũng nên đến các phòng khám chuyên khoa nội tiêu hóa để xác định chính xác bệnh của em, có phải bị bệnh dạ dày không hay còn kèm theo bệnh lý khác, để được điều trị hiệu quả.
Chúc em mau khỏe!