THẮC MẮC

Cách chăm sóc bé 3-4 tháng tuổi

Xin Bác sĩ hướng dẫn tôi cách chăm sóc bé 3-4 tháng tuổi ạ. Xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn,
Để chăm sóc tốt cho trẻ 3-4 tháng, bạn cần chú ý các cách sau đây:
Về cách nuôi dưỡng: Trẻ ở độ tuổi này cần được bú mẹ hoàn toàn nghĩa là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cần cho trẻ ăn hoặc uống thêm thứ gì khác. Như vậy sẽ đảm bảo cho trẻ một chế độ nuôi dưỡng tối ưu để phát triển khỏe mạnh và tránh thấp còi sau này. Cho bé bú theo nhu cầu.
Về các chăm sóc khác:
+ Độ tuổi này trẻ đái nhiều nên bạn chú ý thay tã ướt thường xuyên và kịp thời để tránh lạnh cho bé. Mỗi khi thay bạn cần lau sạch bằng khăn ướt hoặc rửa bằng nước sạch ấm sau đó dùng khăn khô thấm hết nước, tránh hăm cho bé. Mặc cho bé quẩn áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi tốt, không nên mặc quẩn áo vải sợi tổng hợp, không thoát mồ hôi
+ Tắm rửa thường xuyên cho bé giúp cơ thể mát, sạch sẽ giúp các lỗ chân lông không bị bịt kín. Sử dụng các loại xà phòng hoặc sữa tắm phù hợp cho trẻ nhỏ.
Bạn có thể dùng các cách dân dã để tắm cho con tránh rôm sảy như dùng mướp đắng, lá kinh giới, sài đất, lá dâu...
Sau khi tắm có thể xoa phấn rôm lên da bé để giúp da được khô, thoáng mát. Hạn chế tắm bằng xà phòng có chất tẩy rửa cao.
+ Nếu thời tiết không quá nóng thì không cần thiết phải cho bé sử dụng điều hòa. Gió và khí trời tự nhiên, thậm chí là gió quạt vẫn là tốt nhất cho bé và tất cả chúng ta.
+ Nếu thời tiết quá nóng như hiện nay phải nằm điều hòa bạn nên để điều hòa ở chế độ chênh với nhiệt độ ngoài trời 7 độ C (ví dụ ngoài trời là 35độ C thì trong phòng điều hòa nên để 28 độ C là phù hợp) và sẽ không ảnh hưởng đến việc điều hòa thân nhiệt của bé. Khi bé ngủ, hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Không cho bé ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục vì nếu bé ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục thường làm da bé khô, họng khô. Tốt nhất, khoảng 2 - 3 giờ, bạn nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường một lần.
+ Cho bé ở chỗ thoáng mát, thông gió tốt. Tránh những nơi ngột ngạt, nóng bức.
Độ tuổi này bạn cần theo dõi sự phát triển về vận động và tinh thần của bé để phát hiện sớm các bất thường và có hướng giải quyết ngay:
Vận động thô:
+ Khi bé nằm ngửa trên giường, hai tay bé sẽ tự động khép lại để trên ngực, hai tay nắm lấy nhau, đôi lúc còn biết đưa chân. Khi nằm sấp, cánh tay của bé sẽ đưa về trước, sau đó đặt đồ chơi bắt mắt ở trước mặt bé, bé sẽ ngóc đầu lên và nhìn bạn. Khi nằm sấp, bé sẽ có khuynh hướng lật người bị động và lăn trở lại vị trí nằm ngửa một cách không tự chủ .
+ Khi đỡ bé dậy, đầu của bé sẽ gập về trước và tạo thành một góc; khi lắc lư thân hình của bé, đầu của bé thỉnh thoảng cũng lắc lư nhưng cơ bản đã ổn định.
Vận động tinh:
+ Khi chạm đồ chơi có tay cầm vào tay bé, bé sẽ chủ động xoè tay ra để nắm lấy đồ chơi; bé có thể nắm lấy đồ chơi trong khoảng 1 phút. Bé sẽ đưa những vật bé thích vào miệng.
+ Tầm nhìn có thể di chuyển từ vật đến tay và ngược lại.
Khả năng thích ứng:
+ Khi có vật xuất hiện trong phạm vi tầm nhìn, bé sẽ lập tức nhìn theo; khi nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ đồ chơi, bé sẽ lập tức chú ý đến vật phát ra âm thanh một cách chính xác.
+ Sau khi nhìn thấy đồ chơi, bé sẽ vung hai tay lên như muốn bắt lấy, nhưng thường là không bắt được. Đôi khi bé sẽ cho vật cầm trên tay mình vào miệng.
Ngôn ngữ:
+ Có thể tự phát ra tiếng cười hoặc phản ứng khi người lớn chơi đùa với bé. Tiếng khóc tương đối chắc khoẻ.
Hành vi giao tiếp:
+ Bé có thể cười một cách tự phát khi nhìn thấy gương mặt quen thuộc và phát ra âm thanh tuơng đối nhiều, nhưng khi nhìn thấy ảnh thì không như vậy.
+ Khi người lớn kéo bé dậy lúc bé đang nằm ngửa, bé sẽ cười, đôi lúc còn phát ra tiếng.
Chúc bạn chăm sóc trẻ đúng cách!