THẮC MẮC

Chẩn đoán viêm gan virus b mạn sinh con thì có khả năng lây nhiễm không?

Chào bác sĩ, em năm nay 35 tuổi, em phát hiên viêm gan virusb cách đây hơn 10 năm, lần đó em có uống thuốc, 2 năm sau sinh bé nay được 8 tuổi. 3 năm trước đi xét nghiệm cho con thì bác sĩ nói con đã có kháng thể, từ đó tới giờ chưa đi kiểm tra lại cho bé, em có nên đưa bé đi kiểm tra không ạ? năm nay em tính sinh bé thứ 2, đi xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán viêm gan virus b mạn (b18.1): HBsAg: 2339.29 (+) HBeAg: 1152.48 (+) Anti-HCV : 0.06 (-) A FP: 1.3 Do em cùng khám bao tử có HB và bị viêm nên bác sĩ chỉ cho thuốc bao tử chứ không điều trị viêm gan b. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng bệnh của em như thế nào ạ? em sinh con thì có khả năng lây nhiễm cho con như thế nào ạ? Rất mong nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ! Em xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Viêm gan B không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc. HBV phân làm 4 trường hợp:
- Trường hợp 1: Có kháng nguyên bề mặt HBsAg (+) chứng tỏ có virut; có kháng nguyên nội sinh HBeAg (+) chứng tỏ virut đang sinh sôi, có dấu hiệu lâm sàng viêm gan B rõ (vàng mắt, vàng da, mệt mỏi chán ăn; enzym gan ALT-alanin aminotranferase tăng. Bình thường ALT= 40U/L, khi bị bệnh ALT tăng gấp 2 lần trở lên). Đây là trường hợp cần phải dùng thuốc.
- Trường hợp 2: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg(-) chứng tỏ không có dấu hiệu virut sinh sôi; không có dấu hiệu lâm sàng rõ. Đây là trường hợp người lành mang mầm bệnh, không dùng thuốc.
- Trường hợp 3: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg(+) chứng tỏ virut đang sinh sôi, nhưng không có dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người "dung nạp được miễn dịch" cũng chưa cần dùng thuốc. Nhưng trường hợp này có nguy cơ cao, virut có thể tái kích hoạt gây bệnh nên cần theo dõi, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện lâm sàng thì khám ngay để kịp thời dùng thuốc.
- Trường hợp 4: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg (-) chứng tỏ không có dấu hiệu virut sinh sôi nhưng lại có dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn, virut từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt gọi là người viêm gan B không hoạt tính; chưa cần dùng thuốc (vì virut chưa tái sinh sôi, chưa thực sự tái kích hoạt, dùng sẽ không có lợi). Tuy nhiên phải theo dõi chặt chẽ: khám lâm sàng, xét nghiệm định kỳ, khi cần thiết phải can thiệp ngay.
Viêm gan siêu vi B chủ yếu lây truyền qua đường từ mẹ sang con. Ngoài ra còn lây qua đường quan hệ tình dục, truyền máu. Tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh. Cụ thể, mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1%, nếu mắc trong ba tháng giữa thai kỳ là 10%, còn mắc ở ba tháng cuối thai kỳ là 60-70%. Về đường lây bệnh viêm gan B khi đang mang thai đến nay chưa ghi nhận, mà là lây trong lúc sinh: máu từ nhau thai bong tróc truyền cho bé; sản dịch, máu của mẹ lây cho trẻ sơ sinh; trẻ sơ sinh hít hoặc nuốt phải dịch có siêu vi viêm gan B từ người mẹ. Người mẹ có thể truyền siêu vi viêm gan B cho con khi sinh, dù sinh thường hay sinh mổ.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ từ mẹ, trẻ sơ sinh cần được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.
Chúc bạn sức khỏe!