THẮC MẮC

Cháu bị biếu giáp nhân lành tính thùy phải kt 20×30mm

Thưa bác sĩ, cháu bị biếu giáp nhân lành tính thùy phải kt 20×30mm. Cháu đi khám một bệnh viện bảo mổ một bệnh viện bảo không lên mổ. Tuy nhiên không có thuốc điều trị. Trường hợp của cháu lên làm thế nào ạ. Nếu mổ thị bác sĩ nói cắt bỏ hoàn toàn thuỳ phải. Không biết việc cat bỏ như vây sau phẫu thuật phải đối mặt với nguy cơ gì ạ và có nguy cơ bị tái phát trơ lại không ạ. Mô ̉ nội soi thì mổ ở nôi tiết TW hay bv 108 thì hơn ạ. Cam on bác sĩ

Tư vấn

 Chào bạn!
Nhân giáp là tổn thương dạng khối khu trú nằm trong tuyến giáp, có thể là khối đặc hoặc chứa dịch.Có thể là nhân lành tính hoặc ác tính.
Tuyến giáp nằm ở vùng cổ phía trước. Tuyến giáp sản xuất ra hormon tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá quan trọng trong cơ thể.
Đa số nhân giáp không gây triệu chứng đặc biệt có thể được phát hiện nhờ cảm nhận của chính bản thân bệnh nhân, người xung quanh hoặc khi bệnh nhân được Bác sĩ thăm khám lâm sàng. Một số ít nhân giáp là ung thư. Một số nhân giáp được phát hiện tình cờ khi làm các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như siêu âm Doppler mạch cổ, chụp cắt lớp vi tính, IRM cổ ngực...
Ung thư giáp gặp trong 5%-10% bệnh nhân có nhân giáp. Ung thư giáp biệt hoá thể nhú và nang chiếm đại đa số khoảng 90% các loại ung thư giáp nói chung.
Điều trị bệnh bướu nhân tuyến giáp
Bướu nhân độc tuyến giáp (đơn nhân hoặc đa nhân): nhân giáp gây cường giáp
Đại đa số là nhân lành tính.
Nếu cường giáp rõ cần điều trị nội khoa kháng giáp tổng hợp chuẩn bị trước khi tiến hành điều trị triệt để bằng phẫu thuật loại bỏ nhân độc lành tính hoặc điều trị bằng I131.
Nếu là bướu đa nhân độc tuyến giáp hoặc bướu xen lẫn nhân nóng và nhân lạnh trên xạ hình Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.
Nhân giáp có chèn ép
Phẫu thuật: Cắt toàn bộ tuyến giáp nhằm giải phóng chèn ép cũng như nguy cơ tái phát.
I131: Nếu không có chỉ định phẫu thuật thì điều trị I131 giúp cải thiện chèn ép nhờ giảm thể tích tuyến 30-40% sau thời gian khoảng 3 tháng.
Nhân giáp không chèn ép và không gây cường giáp
Chỉ định phẫu thuật khi:
Lâm sàng nghi ngờ nguy cơ cao: To trên 3cm, kích thước to nhanh, siêu âm gợi ý nguy cơ ác tính cao, bệnh nhân trẻ tuổi có tiền sử phơi nhiễm phóng xạ, nhân cứng ít di động….
Tế bào học ác tính.
Điều trị nội bằng Thyroxine
Chỉ định điều trị ức chế bằng Thyroxine còn nhiều tranh cãi và không phải là điều trị thường quy vì tỷ lệ có đáp ứng là rất thấp. Có thể chỉ định cho các BN sống ở vùng thiếu iode, BN trẻ có nhân tuyến giáp nhỏ, BN được chẩn đoán bướu keo (trên tế bào học) với điều kiện không phải là nhân tự chủ và đã loại trừ ác tính. Có lẽ nhóm BN đạt nhiều lợi ích nhất khi áp dụng liệu pháp này là những BN sau mổ nhân giáp và có tiền sử bị chiếu xạ điều trị trứng cá hoặc tuyến ức to lúc còn nhỏ. Trong nhóm này, tỷ lệ tái phát nhân giáp thấp hơn 5 lần nếu được điều trị thyroxin sau mổ.
Nhiều tác giả gợi ý nên điều trị thyroxine với liều đủ để đưa TSH xuống thấp < 0,3 mU/l trong thời gian từ 6-12 tháng nhằm ngăn ngừa sự phát triển của các nhân lành tính, và nếu sau 12 tháng có giảm kích thước nhân trên siêu âm thì có thể kéo dài thời gian dùng thuốc. Khả năng nhân nhỏ đi cũng cao hơn nếu TSH bị ức chế xuống mức < 0,1 so với mức < 0,3 mU/l. Điều trị ức chế Thyroxine có nguy cơ gây rung nhĩ, và giảm mật độ xương. Một nguy cơ khác là nhân phát triển trở lại sau khi ngừng điều trị. Thyroxine không có tác dụng lên sự tái phát của các nang tuyến giáp sau khi chọc hút. Chống chỉ định điều trị thyroxine với bệnh nhân bướu nhân trên 60 tuổi, có bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, TSH thấp, bệnh nhân có bướu nhân to hoặc bướu nhân đã được chẩn đoán từ lâu.
Bạn nên đến bệnh viện Nội tiết khám lại để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Chúc bạn sức khỏe!