THẮC MẮC

Cháu là nữ năm nay cháu 20 tuổi cháu đã bị sỏi thận 2 năm trước

Chào bác sĩ. Cháu là nữ năm nay cháu 20 tuổi cháu đã bị soi thận 2 năm trước. Cháu có di khám va siêu am thì thấy sỏi có kích thước 10mm. Bác sĩ có bảo về uống thuốc nên cháu vẫn uống thuốc đều. Cả kim tiền thảo lẫn thuốc Bắc nhug vẫn không đỡ. Cứ mỗi tháng n lại đau 1 lần mà đều như theo chu kì vậy cứ đầu tháng là lúc nào cũng đau. Đau thì đau từ lưng xag đến bụng. Rồi nôn mửa khó chịu lm. Gần đây c có đi khám thì bác sĩ nói sỏi của cháu là sỏi liệu quản và đag giãn độ 1. Vậy giờ cháu phải nên làm thế nào ạ. Mong bác si cho cháu lời khuyen với ạ. Cháu cảm ơn bác ạ.

Tư vấn

 Chào bạn!
Sỏi niệu quản nằm trên đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây ứ đọng nước tiểu tại thận và gây suy giảm chức năng thận. Vì tính chất nguy hiểm của sỏi niệu quản, nên mọi phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu nhanh chóng đưa sỏi ra ngoài và tái lưu thông nước tiểu.
1. Điều trị nội khoa:
- Điều trị nội khoa: là điều trị hỗ trợ để đưa sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên nên ưu điểm là có thể điều trị ngoại trú, rẻ tiền, hợp với sinh lý.
- Thông thường khi điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn thuốc giảm đau, giãn cơ và hướng dẫn bạn chế độ vận động và uống từ 2-3 lít nước/ngày để tăng khả năng tống sỏi ra ngoài.
- Tuy vậy, điều trị nội khoa cũng phải có những điều kiện nhất định (như sỏi nhỏ chỉ vài mm, không bị nhiễm khuẩn tiết niệu, thận còn tiết nước tiểu…) và không phải trường hợp nào cũng thành công.
2. Điều trị can thiệp
Đối với các trường hợp không có khả năng điều trị nội khoa hay điều trị nội khoa thất bại (tính từ khi điều trị sau 2 tuần mà sỏi không tự thoát ra ngoài) thì bạn nên nhập viện để can thiệp, tránh để lâu gây nhiều biến chứng.
Do sỏi niệu quản đa số thường nhỏ nên các biện pháp can thiệp cũng đơn giản, nhẹ nhàng và ít biến chứng sau can thiệp. Các biện pháp còn được chấp nhận để điều trị sỏi niệu quản:
- Tán sỏi ngoài cơ thể: đẩy sỏi lên thận để tán bằng máy tán sỏi siêu âm.
- Tán sỏi qua da: đưa đầu tán qua da vào thận sau đó xuống niệu quản để tán sỏi.
- Tán sỏi ngược dòng: đưa máy soi kèm đầu tán theo niệu đạo vào bàng quang sau đó lên tới niệu quản để tán sỏi. Đây là phương tối ưu nhất.
- Mổ lấy sỏi nội soi: nội soi qua ổ bụng hay khoang sau phúc mạc để lấy sỏi.
- Mổ hở để lấy sỏi: thường áp dụng khi sỏi quá to hoặc nhiễm trùng nặng.
- Mổ cắt thận: do sỏi làm thận mất hoàn toàn chức năng, gây đau và nhiễm khuẩn.
Khi sỏi niệu quản càng để lâu thì càng có nhiều biến chứng nên điều trị càng khó khăn vì vừa phải lấy sỏi vừa phải điều trị các biến chứng, nên càng khó áp dụng các biện pháp tiên tiến gây tổn hại sức khỏe. Bạn hãy đến các bệnh viện trung ương khám chuyên khoa Thận tiết niệu để được tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.
Chúc bạn sức khỏe!