THẮC MẮC

Cháu thường hay tưởng tượng ra câu chuyện và tự đóng thành nhân vật trong câu chuyện rồi nói chuyện một mình liệu sao không?

Thưa bác sĩ. Cháu năm nay 25 tuổi, cháu thường hay tưởng tượng ra câu chuyện và tự đóng thành nhân vật trong câu chuyện rồi nói chuyện một mình. Cháu có bạn bè và vẫn chơi cùng họ rất vui, cháu không ngại đi ra ngoài nhưng ở một mình trong nhà cũng không sao. Đôi khi cháu dùng chính câu chuyện tự tưởng tượng viết thành truyện tiểu thuyết, và gần đây hiện tượng tự tưởng tượng của cháu tăng lên theo mức độ gặp khó khăn. Không biết hiện tượng của cháu có phải bệnh tâm thần hay không ạ?

Tư vấn

Chào bạn!
Việc nói chuyện một mình là điều hết sức bình thường, đồng thời, nó còn giúp bạn kiểm soát được chính mình. Trong khi đó, việc nói to một mình có thể là dấu hiệu cho thấy, bạn có khả năng nhận thức cao, chứ không phải là bệnh tâm thần.
Hầu như chúng ta đều thường xuyên nói thầm trong đầu. Chúng ta thường tham gia vào các cuộc đối thoại sâu sắc, siêu việt vào lúc 3 giờ sáng, với không ai khác ngoài chính những suy nghĩ của mình để tìm câu trả lời. Độc thoại nội tâm thực sự lành mạnh, chúng có một vai trò đặc biệt trong việc giữ cho đầu óc của chúng ta thoải mái.
Nó giúp chúng ta tổ chức các ý nghĩ, lên kế hoạch hành động, củng cố trí nhớ và điều chỉnh cảm xúc. Nói cách khác, nó giúp chúng ta kiểm soát bản thân. Nói to là sự mở rộng hơn của việc nói thầm trong đầu, nó xuất hiện khi có một động cơ mệnh lệnh nhất định nào đó vô tình được kích hoạt.
Khi suy nghĩ của chúng ta hoàn toàn mất kiểm soát, chúng ta sẽ bước vào một trạng thái mơ màng với những cuộc nói chuyện không mạch lạc và không phù hợp với ngữ cảnh, có thể được mô tả như là bệnh tâm thần.
Hiện tại tình trạng của bạn chưa thấy có dấu hiệu gì của bệnh lý, bạn đừng quá lo lắng ảnh hưởng tâm sinh lý. Tuy nhiên bạn nên dành nhiều thời gian để làm những việc khác như nói chuyện với mọi người, đọc sách…hơn là tự tưởng tượng và nói chuyện một mình nhé.
Chúc bạn sức khỏe!