THẮC MẮC

Chế độ ăn cho người bệnh kiết lỵ

Xin hỏi Bác sĩ bị đau bụng kiết lỵ thì nên ăn gì? em cảm ơn

Tư vấn

Chào bạn!
Bệnh lỵ là một bệnh nhiễm trùng ở đại tràng, tác nhân gây bệnh là Entamoeba histolyca (gây lỵ amip) hoặc do vi khuẩn Shigella (gây lỵ trực khuẩn). Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh lỵ thường ở dạng người mang mầm bệnh, nên không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ tiêu chảy nhẹ kéo dài, nhưng cũng có thể biểu hiện đợt cấp với các triệu chứng đường tiêu hóa rầm rộ: đau quặn bụng, mót rặn, tiêu chảy...
Về chế độ ăn, việc đầu tiên cần đảm bảo để người bệnh ăn chín, uống sôi, thực phẩm phải đảm bảo an toàn, vệ sinh. Trong giai đoạn cấp, người bệnh cần ăn nhẹ, loãng, dễ tiêu (ví dụ như cháo, súp..., không nên ăn sữa) nhưng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong vài ngày đầu. Sau đó, từ từ trở về chế độ ăn bình thường với các thức ăn dễ tiêu hóa, ít chất xơ và dầu mỡ. Có thể nấu cháo với các thực phẩm như gạo tẻ, gạo nếp, mì, đại mạch, đậu hạt, củ mài, hạt sen, đậu xanh, khoai tây, khoai sọ... vừa dễ tiêu, vừa bổ sung thêm lượng nước mất qua tiêu chảy. Nên giảm bớt thực phẩm giàu protein (như sữa bò, cá, thịt, trứng...), nhiều dầu mỡ (thắc ăn chiên rán) vì sẽ lâu tiêu hơn những thức ăn khác, có thể gây đầy bụng. Tránh các thực phẩm có thể gây dị ứng thức ăn như hải sản (tôm, cua, cá ngừ...), trứng, lạc... Không nên ăn các loại gia vị cay, nóng (như ớt, hạt tiêu), quá chua (chanh, dấm...), rượu bia, trà đặc, cà phê, đồ uống có ga, thực phẩm cứng, khó tiêu. Rau xanh nên ăn loại rau lá non, tránh ăn loại rau già nhiều chất xơ như mướp, rau bí đỏ, đậu quả, rau muống, bắp cải, măng khô... Người bệnh nên ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn ít một, tránh ăn nhiều trong 1 bữa. Khi ăn cần ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn vội, vừa ăn vừa tập trung những việc khác (xem phim, đọc sách báo...) nhằm đảm bảo thức ăn được cắt, xé, nghiền rất nhỏ, kết hợp với dịch nước bọt trở nên nhỏ mịn và đồng nhất hơn, dễ dàng tiêu hóa hơn.
Chúc bạn mau khỏi!