THẮC MẮC

Chế độ ăn uống cho người gan nhiễm mỡ cấp độ 2

Chào bác sĩ, mẹ cháu 43 tuổi, sau khi có những biểu hiện chán ăn, mất ngủ, ăn không ngon, khẩu vị ăn trở nên ăn mặn khác thường, mẹ cháu có đi xét nghiệm máu và được chuẩn đoán bị gan nhiễm mỡ cấp độ 2. Vậy bệnh của mẹ cháu có nguy hiểm và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thế nào là hợp lý ạ? Mong được sự tư vấn của bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Gan nhiễm mỡ còn gọi là thoái hóa mỡ gan. Đó là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan >5% trọng lượng gan. Triệu chứng thường thấy là chứng gan to kín đáo, gia tăng vừa phải các men chuyển hóa và phosphatase kiềm và hầu hết là không nguy hiểm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ như suy dinh dưỡng do thiếu protein; người bị béo phì hoặc nghiện rượu; đái tháo đường týp 2, sử dụng một số loại thuốc độc cho gan như amiodarone, methotrexate, diltiazem, tetracycline, thuốc kháng virus, glucocorticoids, tamoxifen…; các bệnh đường ruột, nhiễm HIV, viêm gan C…
Những người bị gan nhiễm mỡ đa phần không có triệu chứng do tình trạng lắng đọng mỡ ở gan xảy ra từ từ nên các biểu hiện của nó cũng khó cảm thấy. Chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, lúc đó gan có thể to, bao gan căng ra và khi đó bệnh nhân có thể có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan. Gan nhiễm mỡ hầu hết không phải là bệnh lý của gan mà chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan mà thôi. Vì thế, điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh như: ngừng ngay những thuốc có khả năng gây độc cho gan và thay thế bằng những thuốc an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ; không uống rượu; giảm cân nếu có thừa cân, béo phì (hạn chế năng lượng dư thừa); giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như các loại đồ lòng, phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng…; hạn chế chất béo: ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá); ăn chất đạm vừa phải đúng với khả năng của gan.
Một số thức ăn có tác dụng “giảm mỡ” tốt như: dầu đậu nành, đậu Hà Lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối (bông chuối)…; trái cây nên lưu ý chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín, trà xanh, hoa hòe… Tăng cường lượng rau, trái cây (mỗi ngày, mỗi người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi). Cần tăng vận động, tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần.