THẮC MẮC

Chích máu ở đầu ngón tay bị choáng, chân tay bủn rủn, lạnh người và ngất xỉu là do đâu?

Thưa bác sĩ. Chồng em năm nay 27 tuổi, người to lớn, khoẻ mạnh, thế nhưng qua 2 lần (buổi sáng, chưa ăn uống gì) đi chích máu ở đầu ngón tay (chỉ mất vài giọt máu) để làm xét nghiệm thì cả 2 lần đều bị choáng, chân tay bủn rủn, lạnh người và ngất xỉu. Em không rõ nguyên nhân do làm sao. Xin bác sĩ cho lời khuyên ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Có nhiều nguyên nhân gây ngất. Loại ngất thường gặp nhất là ngất do kích ứng thần kinh phế vị. Với nguyên nhân này, ngất có thể xảy ra ngay cả ở những người khỏe mạnh, thường hay bị đi bị lại và liên quan nhiều đến stress, hay xảy ra ở trong những phòng nóng và có đông người. Người bệnh bị ngất với mạch nhanh, huyết áp hạ, tim đập chậm, chứ không đập nhanh như các trường hợp tụt huyết áp khác do kích thích của dây thần kinh phế vị.
Khi xảy ra ngất trong trường hợp này nên cho người bệnh nằm đầu thấp và đưa hai chân lên cao, loại bỏ các tác nhân gây kích thích thì người bệnh sẽ hồi phục nhanh chóng.
Loại ngất thứ hai có liên quan đến bệnh tim mạch là ngất do hạ huyết áp tư thế. Loại ngất này hay xảy ra ở những người bệnh có tiền căn hạ huyết áp tư thế là một bệnh tim mạch mãn tính. Bệnh xảy ra khi người bệnh đang ngồi hay nằm mà đứng dậy khá nhanh hay đứng lâu quá. Nguyên nhân là do người bệnh bị mất phản xạ co mạch, làm huyết áp bất ngờ hạ nhanh và máu không về tim đủ gây ra phản xạ trên tim và gây ngất.
Với loại ngất này, việc đứng lên hay ngồi xuống cần phải cẩn thận và nhất là không nên đứng lâu ở trạng thái bất động, kèm theo tập thể dục hằng ngày là liệu pháp phòng ngừa tốt nhất.
Nguyên nhân thứ ba mới là ngất do tim. Ngất do tim thường xảy ra khi hiệu suất bơm máu của tim đi nuôi các cơ quan, nhất là não, bị giảm đột ngột do loạn nhịp tim. Với người bình thường, nhịp tim không được chậm dưới 35-45 lần/phút và nhanh không quá 180 lần/phút.
Ở những người có bệnh tim, ngưỡng này thay đổi rất nhiều và tùy theo tư thế của bệnh nhân đang đứng hay đang nằm mà hiện tượng ngất do tim có thể xảy ra. Việc rối loạn trong dẫn truyền giữa tâm nhĩ và tâm thất cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ngất do bệnh của tim nhiều nhất.
Việc phòng ngừa rất đơn giản: người bệnh chỉ cần khám, đo điện tim, nếu thấy bất thường về dẫn truyền thì người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa tim mạch tư vấn, điều trị có hiệu quả.
Một số người bệnh khác có thể bị ngất sau khi bị một số bệnh nặng về tim như nhồi máu cơ tim, suy tim, viêm cơ tim, tăng áp động mạch phổi. Khi đó, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được điều trị và làm một số thủ thuật quan trọng như: thông tim đặt stent động mạch vành, đốt bằng sóng cao tần, sử dụng thuốc…
Chúc gia đình bạn sức khỏe!