THẮC MẮC

Chữa trị bệnh viêm gan mãn tính

Chào Bác sĩ, bố cháu bị bện gan đã lâu, nguyên nhân chủ yếu là do uống rượu. Cách đây ít lâu bố cháu bị viêm gan nhiễm mỡ nhưng đã khỏi, bụng bố cháu rất to khi đi khám bị xơ gan cổ chướng (cháu thấy Bác sĩ ghi trong sổ vậy) và đã chữa khỏi và nhiều lần khám Bác sĩ đều ghi bố cháu bị viêm gan mãn. Lần gần đây 15/4 bố cháu đi khám tư thì kết quả siêu âm gan: kích thước to, dọc gan trái 110mm, dày gan trái 88mm, hạ phân thùy I 42mm, nhu mô thô nhẹ, tĩnh mạch cửa giãn 13mm, hệ tĩnh mạch trên gan bình thường, ổ bụng không có dịch. Còn lại vẫn bình thường. Đa phần đi siêu âm thì kết quả là gan đều to. Thế nhưng hôm qua 20/5 bố cháu đi khám ở bệnh viện huyện thì kết quả là gan đã bình thường không có gì đáng lo ngại, ổ bụng không có dịch, mặc dù hiện tại bụng bố cháu có hơi to. Bác sĩ có thể giải đáp cho cháu được không ạ? Với lại bố cháu rất hay bị chuột rút là sao ạ? Xin Bác sĩ tư vấn thêm cho bố cháu là: cần có chế độ ăn uống và dùng thuốc như thế nào ạ? Có lần bố cháu bị xơ gan cổ chướng nhà cháu đi lấy thuốc nam về uống và chữa khỏi. hiện tại thì lúc nào bố cháu cũng uống thuốc tây bổ gan mỗi ngày và thi thoảng uống thuốc nam. Nhờ Bác sĩ giải đáp với ạ. Cháu xin cảm ơn!

Tư vấn

Bạn thân mến.
Xơ gan là bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Xơ gan được xem xét là quá trình lan tỏa và xơ hóa, đảo lộn cấu trúc bình thường của gan, dẫn đến hình thành các nhân có cấu trúc không bình thường. Nguyên nhân của xơ gan gồm có: xơ gan do viêm gan virus, viêm gan tự miễn, xơ gan do rượu, ứ mật kéo dài, do hóa chất, do rối loạn chuyển hóa, rối loạn di truyền, do ký sinh trùng…
Bệnh cảnh lâm sàng của xơ gan rất đa dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan: Gồm có 2 giai đoạn là xơ gan tiềm tàng và xơ gan mất bù
Xơ gan tiềm tàng:
- Triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, người bệnh vẫn làm việc bình thường, chỉ có một số gợi ý như : người mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau nhẹ vùng hạ sườn phải, sao mạch ở vùng cổ, ngực, bàn tay son. Gan to mật độ chắc, có thể có lách to, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Ở giai đoạn này chẩn đoán xác định phải dựa vào các xét nghiệm chức năng gan, soi ổ bung, đánh giá mức độ xơ gan bằng siêu âm fibroscan, sinh thiết gan để xét nghiệm mô bệnh học.
Xơ gan giai đoạn mất bù: các triệu chứng bệnh lý của gan thường biểu hiện bằng hai hội chứng chính: suy chức năng gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể có những biểu hiện như sau:
- Sức khỏe toàn thân giảm sút
- Rối loạn tiêu hóa
- Vàng da, có thể xạm da
- Xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: nôn ra máu tươi, tụt huyết áp, đi ngoài phân đen.
- Có thể xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Phù 2 chân, phù mềm, ấn lõm.
- Có dịch cổ chướng từ ít đến nhiều, làm căng bụng, cổ trướng tái phát nhanh là biểu hiện của chức năng tế bào gan suy kém trong tổng hợp protein
- Gan thường teo nhỏ, lách to, tuần hoàn bàng hệ
Biến chứng của xơ gan: xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, xơ gan ung thư hóa, dễ bị nhiễm khuẩn, hôn mê gan, nhiễm trùng dịch cổ chướng. Và bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng trên.
Nguyên tắc điều trị xơ gan: Điều trị bệnh nhân xơ gan cần tránh các yếu tố nguy hại cho gan như rượu, một số thuốc và hóa chất nguy hại cho gan. Duy trì và bồi dưỡng chức năng gan.
Qua mô tả của bạn: Bố của bạn có thể là viêm gan do rượu ( nếu đã loại trừ căn nguyên gây xơ gan như đã mô tả ở trên) và ở giai đoạn xơ gan và có lúc được chẩn đoán là xơ gan cổ chướng có thể là xơ gan giai đoạn đã mất bù. Bụng cổ chướng là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa và chức năng gan suy kém trong tổng hợp albumin là chất keo giữ dịch trong lòng mạch máu, khiến cho dịch vào ổ bụng, và xơ gan cổ chướng có thể tái phát nhiều lần.
Chính vì vậy trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của bố bạn: Nên nghỉ ngơi tuyệt đối để giảm sự đòi hỏi của cơ thể với các hoạt động của chức năng gan. Không được uống rượu, cần ăn nhiều đạm, nhiều hoa quả tươi để cung cấp vitamin, đảm bảo cung cấp 2500 – 3000 calo/ ngày, chỉ nên hạn chế đạm khi có dấu hiệu tiền hôn mê gan, nên hạn chế thức ăn có mỡ, ăn nhạt tuyệt đối khi có cổ trướng.
Bạn không nên cho bố uống thuốc nam, do có thể gây suy gan cấp tiến triển dễ dẫn đến hôn mê gan và có thể tử vong.
Hy vọng qua những thông tin đã cung cấp ở trên bạn có thể hiểu và chăm sóc cho bố bạn tốt hơn. Bạn có thể đưa bố bạn đến chuyên khoa tiêu hóa hoặc truyền nhiễm để có thể khám, tư vấn và điều trị.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.