THẮC MẮC

Chuyển hóa chất trong cơ thể cao phải làm gì?

Chào Bác sĩ! Em là nam năm nay 21 tuổi, cao 1m71 nặng 44kg. Em gầy từ nhỏ, ăn nhiều nhưng không tăng cân mà xuống cân rõ rệt, luôn giữ ở mức 42 - 45kg. Em bị viêm hang vị đang điều trị, bướu cổ nhưng bình giáp, nội soi ổ bụng, đại tràng đều bình thường. Em gầy từ nhỏ đến lớn Mọi người nói có thể cơ thể em chuyển hóa năng lượng cao hơn bình thường nên năng lượng nạp vào không đủ để tăng cân. Vậy tình trạng này là gì, có cải thiện được không Bác sĩ? Em phải làm thế nào để tăng cân? Mong Bác sĩ tư vấn. cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Trước hết, bạn cần biết khả năng tăng cân phụ thuộc vào hai yếu tố: Khả năng hấp thụ và chuyển hóa.
Khả năng hấp thụ thể hiện ở việc tiêu hóa thức ăn. Điều này thường biểu hiện qua tính chất của phân và số lần đi ngoài. Những người hấp thụ kém thường hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống, phân lỏng, táo bón, đi nhiều lần trong một ngày.
Nếu vấn đề tiêu hóa thức ăn không có rối loạn thì phải nghĩ tới việc chuyển hóa cơ bản. Những người gầy thường là những người có chuyển hóa cơ bản cao, thể hiện ở chỗ sờ vào da bao giờ cũng thấy nóng hơn những người béo.
Về khoa học, chuyển hóa cơ bản là số năng lượng tiêu hao được dùng cho các hoạt động tối thiểu của cơ thể như tim đập, phổi thở. Chuyển hóa này ở mỗi người không giống nhau: có người cao, có người thấp. trung bình mỗi người cần 1.200 - 1.400 kcal/ngày.
Ngoài ra những người mắc bệnh nhiễm trùng mãn tính đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan, viêm VA...), đường tiêu hóa (dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng...) hay những người bị rối loạn chuyển hóa nội tiết (basedowns, đái tháo đường tuýp I) cũng là những người có thể trạng gầy, dù có thể ăn khỏe. Nguyên do là khi mắc các bệnh này, chuyển hóa cơ bản thường cao hơn, vì thế, năng lượng tiêu hao sẽ nhiều hơn.
Bạn bị viêm hang vị, bướu cổ bình giáp. Đó có thể là những nguyên nhân khiến cơ thể bạn chuyển hóa năng lượng cao hơn. Để có thể tăng cân bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện. Lời khuyên cho bạn là:
- Ăn uống hợp lý: Đây là yếu tố rất quan trọng trong chiến lược tăng cân của bạn. Hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý bằng cách bổ sung thêm các loại thức ăn có chứa nhiều calo, đạm, chất béo (như các loại thịt, sữa không tách chất béo, bơ, pho mát ) và thức ăn có chứa các loại cacbonhydrat (như tinh bột và đường) vào bữa ăn hàng ngày.
Chú ý nên ăn đúng giờ, đúng bữa. Hằng ngày có thể ăn vặt nhưng tốt nhất nên ăn trước bữa ăn khoảng 1 giờ, không ăn gần bữa ăn chính vì sẽ làm giảm cảm giác ngon miệng khi đến bữa.
Nếu thường xuyên phải thức khuya, hãy ăn thêm một bữa nhẹ. Hãy chọn các thức ăn mềm, dễ tiêu hoá và hấp thụ như: sữa, cháo và các loại hoa quả.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: Nên ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc.
Nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ, không nên lạm dụng thuốc ngủ. Hãy kiên trì luyện tập để có được giấc ngủ một cách tự nhiên bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng, thư giãn trước khi ngủ.
Ngâm chân bằng nước ấm hoặc một cốc sữa nóng trước khi ngủ cũng giúp bạn tìm đến giấc ngủ một cách tự nhiên.
- Tăng cường luyện tập:
Khác với những người bị bệnh béo phì tìm đến những bài luyện tập có cường độ cao như một phương pháp đốt cháy năng lượng để giảm cân, những người gầy nên chọn cho mình những phương pháp luyện tập nhẹ nhàng, tùy theo tình trạng sức khoẻ của mình như: đi bộ, cầu lông, các bài tập aerobic...
Luyện tập đều đặn sẽ làm cơ thể sảng khoái, dễ chịu, tăng cường khả năng tiêu hoá của dạ dày cũng như cảm giác thèm ăn. Các bài thể dục nhẹ nhàng cũng giúp cơ bắp trở nên săn chắc, phòng chống bệnh loãng xương, chống căng thẳng, cải thiện trạng thái tinh thần, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và huyết áp.
Chúc bạn mạnh khỏe!