THẮC MẮC

Có phải bé ăn dứa nên bị dị ứng?

Thưa bác sĩ, Bé nhà em được 5 tuổi, sau khi em cho ăn dứa thì thấy bé bị ngứa, nổi mẩn. Vậy có phải bé bị dị ứng với dứa?

Tư vấn

Chào bạn,
Quả dứa, có nơi gọi là trái thơm, trái khóm… Quả dứa được trồng ở các nước thuộc khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta dứa cũng được trồng ở rất nhiều vùng miền.
Quả dứa là loại quả ngon, có nhiều nước, vị chua ngọt, có mùi thơm dễ chịu, là một trong các loại hoa quả tươi được nhiều người ưa chuộng.
Quả dứa cung cấp cho cơ thể chúng ta nhiều chất dinh dưỡng quý như muối khoáng, vitamin (nhất là vitamin C), vì vậy dứa được dùng để ăn tươi, làm nước giải khát và nấu ăn. Tuy vậy, khi chúng ta ăn dứa, nên đề phòng bị ngộ độc dứa (có nơi gọi là dị ứng dứa hay say dứa).
Thủ phạm gây dị ứng dứa sau ăn là một loại nấm có độc tính cao. Loại nấm này có ở trên mặt đất ẩm, thường phát triển mạnh vào mùa hè, trùng với mùa dứa chín. Dứa thường mọc ở sát mặt đất, người dân hái dứa xong cũng để luôn dưới đất, vỏ quả dứa xù xì, mắt quả dứa làm thành những hốc rất thuận lợi cho nấm cư trú. Ngoài ra, trong quả dứa có nhiều nước, nhiều đường, là điều kiện thuận lợi để nấm độc phát triển. Khi quả dứa bị giập, nước trong quả dứa chảy ra vỏ, làm nấm độc phát triển, và tạo điều kiện cho nấm xâm nhập sâu vào bên trong quả dứa, sẽ gây ngộ độc (dị ứng) cho người ăn.
Biểu hiện dị ứng dứa sau khi ăn dứa khoảng 30 phút đến 1 giờ, người bệnh thấy mệt mỏi, khó chịu, ngứa toàn thân, sau đó người bệnh thấy nóng bừng và nổi mẩn khắp người.
Về tiêu hóa, người bệnh có các biểu hiện thường gặp giống như trong ngộ độc thức ăn: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy...
Về tuần hoàn và hô hấp, người bệnh thấy mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, khó thở ...
Muốn phòng ngừa dị ứng dứa, nên chọn ăn những quả dứa tươi còn nguyên vẹn, không bị giập. Không được ăn những quả dứa không tươi, không nguyên vẹn, dứa bị giập. Khi ăn dứa, nên gọt hết lớp vỏ quả dứa, cắt sâu cho hết mắt dứa, nếu có thể nên xát qua ít muối rồi rửa sạch mới ăn. Không nên ăn nhiều dứa khi cơ thể đang đói.
Trường hợp ngộ độc dứa (dị ứng) nhẹ,bệnh tự khỏi sau 2-3 giờ.
Những trường hợp nặng, bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy kịch, với bệnh cảnh sốc dị ứng: mạch nhanh, huyết áp hạ, chân tay lạnh, v.v... phải được đưa ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Sau khi ăn dứa, thấy người khó chịu, nổi mẩn, ngứa ngoài da, không được rửa nước lạnh mà phải ủ ấm, không gãi mạnh làm tổn thương da. Có thể dùng vải cũ hơ nóng chườm lên những chỗ ngứa.
Phòng ngộ độc dứa, chúng ta nên:
- Ăn những quả dứa còn tươi, lành lặn nguyên vẹn không bị dập; không được ăn những quả bị đã bị dập, không tươi.
- Khi ngọt dứa nên gọt hết vỏ dứa, cắt sâu cho hết mắt dứa. Dứa gọt xong ăn ngay, không nên ăn những miếng dứa gọt sẵn từ lâu bày bán ở chợ, ven đường.
- Đối với những người đã bị say dứa 1 lần thì tốt nhất không nên ăn, nếu muốn ăn nên ăn ít một để để thăm dò cơ thể có bị dị ứng lại không.
Theo như mô tả về các dấu hiệu bệnh của em bé nhà bạn, thì em bé đã bị dị ứng sau ăn dứa (hay ngộ độc dứa) ở dạng nhẹ.