Nội tiết - chuyển hóa
Chào bạn,
Câu hỏi của bạn không rõ ràng vì bạn khám bệnh thận, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đánh giá chức năng thận (ure, creatinin/máu) và có thể xét nghiệm thêm một số chỉ số khác như: glucose, acid uric, bilirubin, albumin, cholesterol, triglyceride…
Tuy nhiên bạn lo lắng bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) nên theo tôi hiểu có thể giá trị 8,6 mmol/l là kết quả của glucose máu. Kết quả 8,6 mmol/l trong xét nghiệm sinh hóa sau bữa ăn 1-3 giờ thì bạn nên đi xét nghiệm lại glucose máu lúc đói mới có thể biết được bạn có mức glucose máu cao hay không.
Bệnh đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa glucid gây tăng glucose máu mạn tính. Đây là hậu quả của thiếu hụt bài tiết insulin hoặc hoạt động kém hiệu quả của insulin hoặc phối hợp thiếu hụt cả hai. Bệnh thường kèm theo rối loạn chuyển hóa của protid và lipid…
Bệnh đái tháo đường được biểu hiện bằng triệu chứng đái nhiều, uống nhiều, sút cân, mờ mắt, đôi khi ăn nhiều chóng đói thường gặp ở bệnh nhân mắc đái tháo đường trẻ tuổi. Triệu chứng trên xuất hiện khi lượng glucose máu tăng cao. Nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh do tình cờ khám sức khỏe định kỳ hoặc vào viện với lý do khác (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…).
Ngày nay, tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào kết quả xét nghiệm glucose máu khi >126 mg/dl lúc đói (đã nhịn ăn 8-10 giờ) và làm 2 lần liên tiếp. Glucose niệu ít có giá trị chẩn đoán. Mỡ máu cholesterol, triglyceride, HDL, LDL thường tăng…
Chỉ cần 1 trong 3 tiêu chuẩn WHO về tiểu đường đối với glucose máu lúc đói hoặc 2 giờ sau uống 75g glucose là chẩn đoán đái tháo đường.
Để chẩn đoán chính xác bệnh đái tháo đường, bạn nên đi khám chuyên khoa nội tiết (hoặc bệnh viện nội tiết) từ đó sẽ có được chẩn đoán chính xác và điều trị hợp lý.
Chúc bạn mạnh khỏe!