THẮC MẮC

Con tôi sinh được 1 tháng bé hay vặn mình đỏ mặt và ọc sữa nghẹt mũi và táo bón 2 hay 3 ngày mới đi vệ sinh được phải làm sao?

Chào bác sĩ. Con tôi sinh được 1 tháng bé hay vặn mình đỏ mặt và ọc sữa nghẹt mũi và táo bón 2 hay 3 ngày mới đi vệ sinh được, bé được 1 tháng tăng cân đươc 1kg ạ. Xin hỏi bác sĩ tôi nên cho con dùng thuốc gì vì bé quá nhỏ bệnh viện ở xa.

Tư vấn

Chào bạn!
Trẻ sơ sinh hay vặn mình và ọc sữa trong khoảng 3 tháng đầu tiên sau sinh, nhất là dấu hiệu sinh lý gồng người và vặn mình đến mức đỏ mặt tía tai trong vài ba phút rồi tự khỏi. Nhiều bà mẹ thấy hiện tượng này là bình thường và nghĩ không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi bé vẫn ăn ngủ tốt và tăng cân đều. Tuy nhiên:
- Nếu trong cơn vặn mình kèm theo các dấu hiệu khó ngủ và ngủ ít, giật mình thức giấc vào ban đêm, đổ nhiều mồ hôi, chậm tăng cân và rất khó tăng cân trong 3 tháng đầu thì rất có thể trẻ đã bị thiếu hụt vitamin D.
- Nếu triệu chứng gồng mình hay vặn người là do thiếu canxi máu thì thường gặp hơn ở những bé sinh non, dinh dưỡng kém. Những trẻ này thường có biểu hiện dễ bị kích thích với tiếng động, thở khò khè, hay nôn ói...
Nói tóm lại, nếu bé vẫn khỏe và vẫn lên cân tốt thì triệu chứng vặn mình và đỏ mặt là sinh lý bình thường, sẽ tự hết khi bé được 2 – 3 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thường ngủ nhiều nhưng có giấc ngủ ngắn, thường 3 đến 4 tiếng sau khi bú là lại ngủ nên cha mẹ cần tập điều chỉnh lại giờ đi ngủ cho bé.
Bé nhà bạn hiện tại được 1 tháng và có biểu hiện táo bón. Nếu bé bú mẹ hoàn toàn thì bạn cần xem lại chế độ ăn của bạn trong những ngày gần đây.
Nhiều khi mẹ ăn nhiều chất đạm, ít chất xơ, mẹ bị táo bón, con bú sữa mẹ cũng dễ bị táo bón. Cũng có khi sữa của bạn không đủ cho bé bú dẫn đến bé ăn chưa đủ nên đi ngoài thưa.
Trước mắt bạn nên cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, uống nhiều nước, xoa bụng cho bé theo khung đại tràng từ phải sang trái (chiều kim đồng hồ), 3-4 lần/ngày giữa các bữa để kích thích tăng nhu động ruột. Đưa chân con bạn lên theo vòng tròn như đạp xe đạp cũng kích thích tăng nhu động ruột.
Nếu hiện tượng này thường xuyên xảy ra bạn nên đưa cháu đi khám để loại trừ nguyên nhân do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa như các dị tật bẩm sinh phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng. Khi mắc các bệnh này, trẻ thường bị táo bón rất sớm từ ngay sau khi sinh.
Chúc bé sức khỏe!