THẮC MẮC

Con trai tôi năm nay 2,5 tuổi bị bệnh bạch cầu cấp

Thưa Bác sỹ, con trai tôi được 2,5 tuổi thì bị bạch cầu cấp ( tăng bạch cầu 132000, giảm tiểu cầu 68000), hiện đang điều trị giai đoạn tấn công. Bác sỹ cho tôi hỏi chế độ ăn uống và chăm sóc cháu có phải kiêng gì không? Ăn gà, cua, tôm, ghẹ nhiều có tốt không? Những món nào nên ăn thì tốt cho sức khỏe của cháu. Tôi nghe nhiều người nói nên cho uống huyết rùa hoặc huyết thỏ, như vậy có tốt không?

Tư vấn

Chào bạn,
Bạch cầu cấp là bệnh ác tính của tế bào tiền thân tạo huyết. Những tế bào này tăng sinh bất thường khiến cơ thể không kiểm soát được, thay thế hoàn toàn các phần tử bình thường của tủy xương. Đa số các trường hợp bạch cầu cấp là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên cũng có một số yếu tố được ghi nhận liên quan tới bệnh như: hóa chất (nhóm alkyl, nhóm benzen), tia xạ hay tia ion hóa, vi rút, bất thường nhiễm sắc thể (thường gặp ở bệnh nhân bạch cầu cấp), yếu tố di truyền (hội chứng Down, hội chứng thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh, hội chứng Poland,…), môi trường ô nhiễm.
Trường hợp con trai bạn, đã có chẩn đoán bạch cầu cấp và đang trong giai đoạn điều trị tấn công, đây là giai đoạn khiến bé mệt mỏi nhiều nhất, do cơ thể phải chống lại bệnh đồng thời chịu tác động của phác đồ điều trị liều cao. Do vậy điều quan trọng trước tiên đối với bạn đó là tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sỹ điều trị. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, khoa học sẽ giúp bé tăng cường sức khỏe, giúp chống chọi lại bệnh tốt hơn. Chế độ chăm sóc cho bé nên lưu ý một số điểm như sau:
- Đảm bảo chế độ ăn giàu đạm, vitamin, tăng chất xơ nhưng phải đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh, thực phẩm phải được nấu chín.
- Nên chia nhỏ thành nhiều bữa giúp bé dễ tiêu hóa, tăng cường các loại hoa quả tươi.
- Nếu bé loét miệng, ăn kém thì cần nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch (qua tiêm truyền).
- Trường hợp bé có nôn thì chống nôn bằng các thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ (như Ondasetron), nếu táo bón nặng (có thể phải sử dụng thuốc nhuận tràng như Duphalac)
- Động viên bé giúp tinh thần bé được vui vẻ để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Cho bé nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, hoạt động nhẹ nhàng và đảm bảo bé ngủ đủ.
- Vệ sinh thân thể và vệ sinh răng miệng cho bé sạch sẽ để tránh bội nhiễm.
Nhìn chung, đối với việc ăn uống thì không nên cho bé ăn kiêng nhưng phải đảm bảo theo các nguyên tắc nêu trên, cũng nên thận trọng với kinh nghiệm truyền miệng mà không có cơ sở khoa học, vì điều này có gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Chúc bé nhà bạn sớm ổn định sức khỏe!