Nội tiết - chuyển hóa
Chào bạn,
Bệnh đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa glucid gây tăng glucose máu mạn tính… Đây là hậu quả của thiếu hụt bài tiết insulin hoặc hoạt động kém hiệu quả của insulin hoặc phối hợp cả hai. Kèm theo đó là hiện tượng rối loạn chuyển hóa protid và lipid.
Người ta phân thành 2 loại đái tháo đường:
- Đái tháo đường týp 1
- Đái tháo đường týp 2
* Đái tháo đường týp 1: đặc trưng bởi sự hủy hoại tế bào bê ta của tuyến tụy và thiếu hụt gần như tuyệt đối insulin vì thế dễ bị nhiễm toan ceton nếu không được điều trị. Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi. Thường có yếu tố di truyền và liên quan đến một số yếu tố môi trường…
* Đái tháo đường týp 2: thường gặp nhất và đặc trưng bởi rối loạn hoạt động hay tiết insulin: thay đổi từ đề kháng insulin chiếm ưu thế với thiếu insulin tương đối đến khiếm khuyết tiết insulin chiếm ưu thế kèm kháng insulin hay không. Bệnh hay gặp ở người béo phí, người lớn tuổi, hiếm khi nhiễm toan ceton ngoại trừ khi có stress hoặc nhiễm trùng.
Như vậy, đái tháo đường týp 1 nặng hơn đái tháo đường týp 2 bởi vì:
- Đái tháo đường týp 1: triệu chứng lâm sàng rầm rộ, dễ bị nhiễm toan ceton, hay gặp biến chứng vi mạch và việc điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào insulin. Vì bệnh nhân bị bệnh này thường gầy nên chế độ ăn phải tăng nhu cầu calo hàng ngày. Việc vận động và tập thể dục phải vừa phải.
- Đái tháo đường týp 2: triệu chứng lâm sàng không rầm rộ như đái tháo đường týp 1 (có bệnh nhân vô tình phát hiện ra bệnh khi khám sức khỏe định kỳ), hay gặp biến chứng mạch máu lớn, điều trị bằng các thuốc hạ glucose máu, thuốc tăng tiết insulin hoặc tăng sử dụng glucose ở mô…Việc điều chỉnh chế độ ăn rất quan trọng (giảm calo ở bệnh nhân béo phì hoặc duy trì calo ở bệnh nhân có trọng lượng bình thường…). Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
Chúc bạn mạnh khỏe!